Tài xế công nghệ "thở phào"
Sau điều chỉnh của liên Bộ Tài chính – Công Thương ngày 21/7, giá xăng E5 RON 92 về 25.070 đồng (tương đương mức giảm 2.710 đồng), xăng RON 95-III là 26.070 đồng (giảm 3.600 đồng) một lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel là 24.850 đồng một lít, giảm 1.740 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 25.240 đồng, giảm 1.100 đồng.
Giá xăng dầu thế giới giảm cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, nhà điều hành đã tiếp tục thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá như kỳ trước để tiếp tục củng cố số dư quỹ bình ổn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, trích lập đối với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 700 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg. Đồng thời, thực hiện dừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá.
Như vậy, giá xăng dầu đã có 19 lần điều chỉnh kể từ đầu năm nay, trong đó có 6 lần giảm giá.
Chỉ trong khoảng hơn 1 tuần, giá xăng đã giảm đi khoảng 6.000 đồng/lít. Đây cũng là niềm vui của các cánh tài xế, đặc biệt là tài xế xe ôm công nghệ, giúp phần nào đó giảm thiểu áp lực về kinh tế trong việc trang trải cuộc sống.
Anh Nguyễn Thái Hòa, ngụ quận Bình Thạnh, hiện đang là tài xế xe ôm công nghệ Gojek chia sẻ, giá xăng giảm sâu là tín hiệu vui, giúp cải thiện thu nhập, có thể thoải mái hơn trong trang trải cuộc sống.
Anh Hòa cho biết, lúc giá xăng đạt đỉnh, vượt ngưỡng 33.000 đồng/lít, anh chẳng thể mặn mà với công việc rong ruổi ngoài đường, nay xăng giảm anh đã phấn khởi hơn.
“Giá xăng giảm hơn 6.000 đồng/lít giúp những người tài xế cũng đỡ đi rất nhiều. Thời điểm xăng lên đỉnh điểm khoảng 33.000 đồng/lít, tài xế chúng tôi chỉ chạy cầm hơi để đợi giá xăng giảm. Với những anh em chạy xe là công việc chính thì phải “cắn răng” mà chạy”, anh Hòa nói.
Gian nan hơn Hòa, anh Hoàng Thái, từ quê lên Tp.HCM để làm ăn, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại quận Gò vấp cho biết: "Mình từng bỏ dở công việc tài xế Grab Car để làm công nhân vì giá xăng quá cao, không có lời. Đến nay, giá xăng giảm sâu nên quay lại làm. Mong là giá xăng sẽ tiếp tục giảm để cánh tài xế chúng tôi có thể tiếp tục với nghề, chứ xăng cao quá thì không thể trụ nổi", anh Hoàng Thái nói.
Doanh nghiệp vận tải vực dậy
Ngoài các cánh tài xế thì doanh nghiệp vận tải chịu nhiều tác động trong giá xăng dầu, đã phải điêu đứng cầm hơi trong đợt giá xăng tăng đỉnh điểm, thì đây là niềm vui để vực dậy, thu “quả ngọt” sau nhiều lần gồng mình chịu lỗ.
Hiện, Công ty TNHH vận tải Trọng Tấn có hơn 2.000 đầu xe tải từ 1-30 tấn, mỗi ngày tiêu thụ đến 11.000 lít dầu. Thời điểm giá xăng dầu cao đỉnh điểm mỗi chuyến hàng chạy Bắc Nam lỗ 2-3 triệu đồng, chưa tính trừ các khoản khấu hao.
"Công ty chỉ biết gồng gánh chờ thời điểm xăng dầu hạ giá. Mỗi tháng lỗ lũy kế hơn 1,5 tỷ đồng. Chúng tôi cắn răng chịu lỗ mà không thể tăng giá vì dễ làm mất khách hàng nên mọi thứ rất khó khăn. Đến hiện tại thì đã có lãi chưa đáng kể nhưng cũng là cơ sở để phấn đấu, hy vọng sẽ gỡ gạc lại lúc lỗ”, anh Trần Thanh Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Trọng Tấn cho biết.
“Hiện tại, giá xăng đã tăng mạnh thì nhà xe cũng rất mừng, nhưng so với mặt bằng chung, chi phí chung của doanh nghiệp hiện tại phải chịu vẫn cao nên cũng chỉ lời ít hoặc không lỗ. Tôi mong các ban ngành ở trên xem xét giảm chi phí xăng dầu tiếp tục giảm, để cho dân, doanh nghiệp có thể phát triển mạnh hơn”, ông Võ Thành Đông, đại diện công ty vận tải Tuấn Anh cho biết.
Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đồng thời báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế trong cơ cấu giá xăng dầu.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực đường bộ.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa.
Hồ Duy