Chó thả rông trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những vụ chó nuôi cắn gây thương tích, thậm chí chết người vẫn liên tục xảy ra trong khi việc quản lý, kiểm soát các loài chó dữ vẫn còn bỏ ngỏ.
Rao bán chó dữ tràn lan
Trên mạng xã hội Facebook có nhiều hội nhóm trao đổi thông tin và mua bán chó pitbulll như "Pitbull Việt Nam", "Mua bán chó pitbull", "Hội những người yêu chó pitbull"… hoạt động khá rầm rộ. Những hội nhóm này thu hút hàng chục ngàn thành viên và thường xuyên có những bài rao bán hoặc "khoe" thành tích nuôi chó pitbull.
Tài khoản Đ.V.T. thường đăng tin bán chó pitbull trong nhóm "Pitbull Việt Nam" kèm số điện thoại và thông tin của con chó cần bán với cam kết có thể gửi xe đi toàn quốc. Đáng chú ý, tài khoản này có đăng một bài rao bán một con chó pitbull American bandog (nguồn gốc Mỹ) màu vàng lilac đã trưởng thành nặng 45kg với giá 30 triệu đồng. Theo quảng cáo, con chó này là giống cái, chỉ mới đẻ một lứa nên rất hung dữ, mua về có thể nuôi giữ nhà hoặc phối giống.
Còn trong nhóm "Mua bán chó pitbull", tài khoản B.H.Đ. cũng rao bán chó pitbull dòng tricoler pitbull đã trưởng thành nặng 30kg với giá 20 triệu đồng. Anh cho biết lực cắn của chú chó này thì "khỏi phải bàn", mua về có thể huấn luyện giữ nhà. Tuy nhiên, chú chó này là "ngoại lai", anh mua về nuôi từ lâu, đến nay không nuôi nữa và bán nên không có giấy tờ chứng nhận.
Theo một người có kinh nghiệm nuôi và mua bán chó nhiều năm ở TP.HCM, do chạy theo phong trào và thiếu kiến thức nên nhiều người nuôi chó pitbull đã cố tình tiêm chất kích thích, cho ăn thịt sống để chó phát triển cơ bắp. Với không gian chật hẹp và không được huấn luyện đúng cách, chó pitbull và các loài chó lớn rất dễ bị thừa năng lượng, dẫn đến stress và trở nên hung dữ bất thường.
Chưa kể những con chó pitbull được cho lai với các giống chó khác để tạo ra pitbull vượt trội về ngoại hình, có màu sắc đẹp lạ dễ đánh thức bản tính hoang dã. Theo vị này, ở Việt Nam không cấm nuôi chó pitbull nên khó tránh khỏi loài vật này tấn công gây thương tích hoặc làm chết người.
Người nhà chuẩn bị làm hậu sự cho bé T. - Ảnh: B.A.
Cần xem chó dữ là "nguồn nguy hiểm cao độ"
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết kinh doanh chó không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay cấm kinh doanh nên không cần phải có giấy phép kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, người kinh doanh cần phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH…
Luật sư Thanh cho rằng một số loại chó ngoại lai có đặc tính hung dữ so với chó truyền thống, vì vậy cần có các quy định chặt chẽ trong việc kinh doanh và nuôi. Cần nghiên cứu và đưa những loài chó này vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ, đưa vào danh mục loài "thú dữ" để có các điều kiện kinh doanh nghiêm ngặt hơn cũng như có các chế tài nghiêm khắc hơn nếu người kinh doanh vi phạm.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 điều 601 Bộ luật dân sự 2015 thì nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, chất nổ, chất cháy, thú dữ... Tuy nhiên, điều luật này cũng chỉ mới mang tính liệt kê, chưa đưa ra một định nghĩa rõ ràng, chi tiết về thú dữ là gồm những loài nào. Nếu có quy định cụ thể tên các loài chó ngoại lai là thú dữ và xác định các giống chó đó là nguồn nguy hiểm cao độ thì chủ sở hữu vật nuôi phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra kể cả khi không có lỗi.
Pháp luật quy định rất rõ về việc nuôi, trông giữ, vận chuyển chó nuôi. Nếu để vật nuôi của mình gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp vật nuôi gây ra những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu vật nuôi làm chết người thì chủ vật nuôi có thể bị áp dụng điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "vô ý làm chết người", có thể bị phạt đến 10 năm tù nếu làm chết 2 người trở lên.
Chưa cấm nuôi chó dữ, nhưng nuôi phải đăng ký
Tháng 5-2021, tỉnh Khánh Hòa từng ghi nhận trường hợp bé Trương Hoàng Minh Khôi (28 tháng tuổi) ở phường Phước Tân, TP Nha Trang, nhập viện trong tình trạng chân trái có vết thương sâu, nhiễm trùng do bị chó pitbull cắn. Cháu Khôi được cha là anh Trương Hoàng Hải chở về nhà thì bị con chó pitbull nhà hàng xóm xổng chuồng, nhảy xổ ra cắn vào chân. Anh Hải cố dùng tay tách miệng chó pitbull để cứu con thì bị cắn rớt 1 đốt ngón tay trái. Chỉ đến khi chủ chó chạy ra đánh, con chó mới chịu nhả ra.
Ông Lê Thắng - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Khánh Hòa - cho biết trên địa bàn tỉnh hầu như không có trang trại hoặc nơi nuôi với số lượng lớn các giống chó săn, chó dữ như pitbull, ngao Tây Tạng… mà chủ yếu là các hộ nuôi theo quy mô hộ gia đình hoặc cho lai giống tự phát với các dòng chó cảnh cỡ nhỏ.
"Chó mèo vận chuyển trong nước do chi cục thú y cấp tỉnh quản lý, còn chó mèo nhập khẩu do cơ quan thú y cấp trung ương quản lý. Hiện chó mèo mua bán trong tỉnh vẫn chưa có quy định ràng buộc, tuy nhiên khi bán ra ngoài tỉnh phải đáp ứng quy định kiểm dịch, phải có giấy tờ. Ở thời điểm hiện tại việc nuôi, bán chó cảnh khá tự do, không ràng buộc pháp lý", ông Lê Thắng nói.
Theo ông Thắng, người nuôi chó phải có ý thức quản lý vật nuôi của mình đảm bảo tiêm phòng đầy đủ, đảm bảo an toàn khi vật nuôi tiếp xúc với người khác. "Đối với các giống chó dữ vẫn chưa có quy định cấm nuôi nhưng các chủ cơ sở nuôi phải đăng ký về con giống, chất lượng con giống", ông Thắng nói.
M.CHIẾN
Thế nào là "nguy hiểm"?
Theo tạp chí Forbes, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã thực hiện một phân tích bao quát các giống chó có liên quan đến những vụ tấn công nguy hiểm tại Mỹ từ năm 1979 - 1996. Trong giai đoạn này, pitbull Mỹ là giống chó đứng đầu và liên quan đến 60 vụ việc, sau đó là rottweiler (29) và becgie Đức (19).
Chuyên trang thú nuôi Pet Keen của Mỹ lưu ý rằng đa số chó tấn công người là những con ít được tiếp xúc xã hội. Điều này có nghĩa là một chú chó nhỏ bị nhốt trong nhà, ít tiếp xúc với người ngoài có khả năng tấn công người khác nhiều hơn một chú pitbull thường xuyên được tiếp xúc với con người.
Song thế giới vẫn gắn nhãn một số giống chó là "nguy hiểm", vì dù một chú chó nhỏ có thể hung hãn hơn nhưng khả năng gây thương tích của nó thấp hơn hẳn một chú chó to. Ngoài ra, tính khí đặc trưng của giống chó cũng góp phần để đánh giá một giống chó có "nguy hiểm" hay không. Đó là lý do phần lớn những giống chó được đánh giá là nguy hiểm thường là chó săn hoặc chó bảo vệ lì lợm và thiện chiến. Cho đến nay, pitbull, rottweiler hay becgie Đức vẫn là những giống chó bị xem là "nguy hiểm".
Một nghiên cứu vào năm 2014 của Đại học Bristol (Anh) chỉ ra rằng những chú chó bị huấn luyện bằng cách trừng phạt và các biện pháp cứng rắn có nguy cơ gây hấn với người lạ cao gấp hai lần và khả năng tấn công các thành viên trong gia đình cao gấp ba lần so với bình thường. Các nhà nghiên cứu khuyên người dân nên huấn luyện con chó từ sớm và đúng cách để tránh mọi vấn đề bạo lực có thể xảy ra, dù là bất cứ giống chó nào.
NGUYÊN HẠNH
Cục Thú y: Không vì vài vụ chó pitbull cắn người mà cấm nuôi
Ông Nguyễn Văn Long - quyền cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - nói khi trao đổi với Tuổi Trẻ vào ngày 24-7, sau vụ chó pitbull cắn chết cháu bé ở Bình Phước.
Ông Long nói đây là việc rất đau lòng, không ai mong muốn nhưng đã xảy ra và cho biết chó cắn người bị thương tích nặng, thậm chí cắn chết người không phải là mới và năm nào cũng xảy ra 1-2 trường hợp.
Ông Long cho biết thông tư 7/2016 của Bộ NN&PTNT về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, chủ nuôi chó mèo (gọi chung là chủ vật nuôi) phải đăng ký việc nuôi chó mèo với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Chủ vật nuôi xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Tại quyết định số 2151 năm 2021 của Thủ tướng phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030" đã quy trách nhiệm chủ nuôi "cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định". Đầu năm 2022, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình.
"Như vậy hiện nay các văn bản quy định, chỉ đạo đã rất cụ thể. Vấn đề chính là công tác tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương, nhất là tuyến cơ sở cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những nội dung làm được và chưa làm được, đặc biệt là công tác quản lý đàn chó và phòng chống bệnh dại, để có giải pháp khắc phục" - ông Long nhấn mạnh.
Về chế tài, ông Long cho biết theo nghị định số 4/2020 của Chính phủ sửa đổi một số điều của nghị định 90/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, chủ vật nuôi có chó cắn chết người do không đeo rọ mõm sẽ bị phạt 1 - 2 triệu đồng cho hành vi "không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó".
Ông Long cho biết pitbull là một giống chó nhà có nguồn gốc từ châu Mỹ, được nuôi ở nhiều quốc gia để làm vật giữ nhà, chó cũng được sử dụng trong những cuộc chọi chó. Đây là giống chó dữ, hiếu chiến, bền bỉ, gan lì được mệnh danh là sát thủ máu lạnh. "Bất kỳ loài chó nào, xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ nào khi nhập khẩu vào Việt Nam cũng phải thực hiện việc kiểm dịch theo quy định của Luật thú y" - ông Long khẳng định.
Ông Long cho rằng việc có nên cấm nuôi giống chó pitbull hay không phải dựa trên nhiều quy định và có nghiên cứu thực tế, khoa học chứ không phải chỉ dựa vào một vài vụ việc chó cắn người mà đưa ra lệnh cấm. Quan trọng nhất là tổ chức thông tin tuyên truyền, tổ chức quản lý ở địa phương.
Hiện công tác quản lý thú y ở cơ sở đang rất khó khăn do thiếu lực lượng thú y chuyên ngành, do đó cần phải khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật thú y. Nếu vì không quản lý được mà cấm nuôi thì chưa thỏa đáng.
Việt Nam cũng có 10 triệu hộ nuôi chó, việc chó cắn chết người như vậy là trường hợp rất hãn hữu. Cục Thú y đã trao đổi ý kiến với các địa phương, tuy nhiên các phản hồi có vẻ chưa thỏa đáng nên chưa đề cập đến việc cấm nuôi chó dữ và nguy hiểm như pitbull.
CHÍ TUỆ
TTO - Được mệnh danh là “chó bảo mẫu” vì thân thiện với trẻ em, nhưng do được sử dụng để phục vụ “chọi chó” và quá trình nuôi dạy không đúng cách của con người khiến cho chó pitpull ngày càng hung dữ.
Xem thêm: mth.2555518052702202-gnuhn-ac-oc-hnid-yuq-ud-ohc-ioun/nv.ertiout