Chuyên gia kinh tế trưởng của báo Bloomberg Economics – Thomas Orlik cho biết: “Quan điểm của tôi là khó có thể xảy ra khủng hoảng mang tính hệ thống ở Trung Quốc.”
Ông Orlik đã phát biểu tại sự kiện " Phải chăng bong bóng sẽ không nổ? Một cuộc thảo luận về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc" do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức vào thứ Năm.
Vào năm 2020, ông đã xuất bản cuốn sách China: The Bubble That Never Pops (tạm dịch: Trung Quốc: Bong bóng khổng lồ nhưng không bao giờ vỡ) vào năm 2020, với ý kiến rằng nền kinh tế và hệ thống tài chính của Trung Quốc "kiên cường hơn những gì mà các nhà phê bình ở phương Tây đánh giá".
Theo ông, các nhà hoạch định chính sách kinh tế và tài chính của Trung Quốc "sáng tạo và khéo léo hơn trong cách giải quyết vấn đề so với nhận định của các nhà phê bình ở Washington, DC, hoặc ở Phố Wall".
Đây cũng là lý do tại sao "cho đến nay vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống" ở Trung Quốc, ông nói.
Ông Orlik cũng cho biết nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch giống như phần còn lại của thế giới. "Trong một đại dịch toàn cầu, chúng ta thực sự không thể nói về người chiến thắng, nhưng Trung Quốc đã mất ít hơn hầu hết các nền kinh tế lớn khác" – ông nói. “Bong bóng không bao giờ vỡ vẫn sẽ không vỡ”.
Về tăng trưởng, Trung Quốc đã có sự phục hồi hình chữ V sau khi kiểm soát đợt được bùng phát COVID-19 đầu tiên vào năm 2020. Nhưng sự tăng trưởng lại kém hơn trong quý II năm nay do sự bùng phát của chủng Omicron khiến Trung Quốc phải đóng cửa ở một số thành phố lớn
Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/7 cho thấy GDP của Trung Quốc tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước trong quý II năm nay. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong quý đầu tiên và giảm đáng kể trong quý thứ II, dẫn đến tăng trưởng GDP là 2,5% trong nửa đầu năm. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc là 5,5%.
Quan điểm lạc quan
Ông Orlik cho biết đây là một "thời điểm đầy thách thức" đối với Trung Quốc và Mỹ. Với Trung Quốc, ông khuyến nghị nên đối mặt với các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản để tránh gây nên những vấn đề lớn hơn. Với Mỹ, ông cảnh báo rằng lạm phát cao và sự thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang có khiến Mỹ rơi vào cuộc suy thoái.
Bà Joyce Chang, Chủ tịch bộ phận nghiên cứu toàn cầu của JP Morgan, cho biết Trung Quốc có khả năng nới lỏng chính sách và sử dụng kích cầu để tránh khủng hoảng mang tính hệ thống, đồng thời vẫn có "rất nhiều công cụ" để phục hồi.
"Tăng trưởng theo quý đã giảm 8,7%. Nhưng trong quý thứ III, chúng tôi đang mong đợi vào một sự phục hồi. Tăng trưởng có thể sẽ ở mức trên 10% trong quý này sau khi giảm 8,7% vào quý trước. Chúng tôi dự báo tăng trưởng ở mức 5,7% cho quý IV và cả năm ở mức 3,2% ", bà Chang cho biết.
Arthur Kroeber, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Gavekal Dragonomics, cho biết khó xảy ra nhưngkhông có nghĩa là Trung Quốc "miễn nhiễm với khủng hoảng".
Ông Kroeber cho biết: “Hệ thống của Trung Quốc rất kiên cường và có khả năng ứng phó với khủng hoảng cao hơn nhiều so với những gì mà mọi người nghĩ”. Ông cũng khuyến nghị Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào các hình thức cạnh tranh kinh tế vi mô và luật thuế thay vì quá chú trọng vào việc triển khai vốn.
Ông Yao Yang, Trưởng khoa kiêm Giáo sư Khoa Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, cho biết có nhiều luồng ý kiến khác nhau giữa các nhà kinh tế Trung Quốc về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
"Về lâu dài, tôi lạc quan hơn hầu hết mọi người. Tôi tin rằng vào cuối thập kỷ này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ như nền kinh tế Mỹ", ông nói.
Huyền Anh (theo China daily)