Elon Musk muốn đầu tư nhiều hơn vào tinh chế lithium vì cuộc cách mạng xe điện đẩy nhu cầu lên cao - Ảnh: Insider
Nếu nhìn vào bức tranh xe điện hiện nay và những dự đoán tương lai, nhận định của tỉ phú Elon Musk không phải không có lý. Khi ngành công nghiệp ôtô chuyển hướng tới năng lượng pin sạch hơn, lithium trở thành tâm điểm chú ý. Nhu cầu tăng vọt, đồng thời giá cũng lên cao ngất ngưởng.
Vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh việc thế giới có thể quản lý việc khai thác, tinh chế và vận chuyển đủ lithium để hỗ trợ cuộc “cách mạng xanh” đang diễn ra hay không.
Lithium là gì?
Lithium là vật liệu quan trọng trong pin lithium-ion dùng trong xe điện, cũng có trong pin laptop và các thiết bị điện tử tương tự.
Tại sao Elon Musk quan tâm đến lithium?
Khi các hãng lao vào sản xuất xe điện, nhu cầu lithium bùng nổ, kéo theo giá tăng lên. Theo Hãng McKinsey, tính đến đầu tháng 3, giá lithium đã tăng 550% so với năm trước.
Nhu cầu đối với kim loại này sẽ vượt xa nguồn cung trong ít nhất 5 năm tới, và sự thiếu hụt có thể kéo dài đến năm 2030, S&P Global Commodity Insights cho biết.
Trong bối cảnh đó, dễ hiểu vì sao CEO Tesla lại thúc giục các doanh nhân tinh chế lithium nhiều hơn. Dù lithium thô dồi dào, nhưng phải tinh chế trước khi được đưa vào sản xuất pin.
Sam Abuelsamid, nhà phân tích tại Guidehouse Insights, nói với trang Insider rằng đảm bảo đủ pin lithium là một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà sản xuất ôtô phải đối mặt trong thời gian tới. Nguồn cung vẫn còn khá hạn chế, vì không có nhiều nhu cầu cho đến khi xe điện bắt đầu “cất cánh”.
"Trong 3-5 năm tới sẽ không có quá nhiều vấn đề. Nhưng nếu những nguồn lithium khác không được phát triển nhanh chóng, trong nửa sau của thập kỷ này [đến gần những năm 2030], chắc chắn không có đủ lithium”, ông đánh giá.
Elon Musk cho rằng pin lithium là “dầu mỏ kiểu mới” - Ảnh: Insider
Các hãng đang làm gì?
Nguồn cung cấp lithium không bền vững đã thúc đẩy các nhà sản xuất ôtô phải tự đi thẳng đến nguồn cung và bảo đảm đầu vào cho chính mình. Tuần qua, Ford công bố thỏa thuận với các công ty lithium cho phép hãng sản xuất 600.000 xe điện mỗi năm, bắt đầu từ năm 2023. General Motors cũng đã thực hiện các thỏa thuận tương tự.
Nhà phân tích Abuelsamid cho biết, các nhà sản xuất ôtô không muốn giẫm vào vết xe đổ của khủng hoảng thiếu chip, do đó muốn tránh phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu. Hầu hết nguồn cung cấp lithium hiện nay đến từ Nam Mỹ hoặc Úc, và được tinh chế ở Trung Quốc.
Tesla cũng đang tìm cách tự xử lý lithium. Giám đốc tài chính Zachary Kirhorn cho biết: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu hoạt động tinh chế lithium, vì cách tốt nhất để tăng tốc là tự thân vận động”.
Tesla sẽ không tham gia vào ngành khai thác, mà là tinh chế, điều Elon Musk đánh giá là “khó hơn nhiều”: “Không thể có tạp chất trong pin, vì nếu không rất dễ hỏng. Vì vậy, thách thức lớn nhất là quá trình xử lý” - Ảnh: VOI.id
Khai thác lithium có gây ô nhiễm môi trường không?
Những người ủng hộ môi trường đã chỉ trích các hoạt động khai thác lithium vì đã làm cạn kiệt nguồn cung cấp nước địa phương. Theo Steve Christensen - giám đốc điều hành của Liên minh Pin có trách nhiệm (Responsible Battery Coalition), vấn đề môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình khai thác.
Một cách để pin xe điện “xanh” hơn và dồi dào hơn là tập trung vào tái chế. Christensen nói với báo Insider rằng nếu việc tái chế pin được mở rộng, được chính phủ khuyến khích và hoạt động hiệu quả hơn, sẽ giảm đáng kể nhu cầu khai thác và tinh chế lithium mới.
Theo WSJ, tương tự Elon Musk, RJ Scaringe, CEO hãng xe điện Rivian, cho biết cuộc khủng hoảng thiếu chip chỉ là "món khai vị". Cơn ác mộng của nhà sản xuất công nghệ có thể tiếp tục xảy ra trong vài thập kỷ tới khi pin lithium ngày càng trở nên cần thiết - Ảnh: Insider
Những người đầu tiên sử dụng xe điện hay xe điện đã qua sử dụng đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Một gia đình ở Florida đã phát hiện ra điều này sau khi mua một chiếc Ford Focus phiên bản chạy điện đã qua sử dụng.