Phối cảnh 3D phố đi bộ Lê Lợi, quận 1, TP.HCM, theo đề án vừa được một doanh nghiệp đề xuất - Ảnh: N.B.
Việc khai thác phố đi bộ Lê Lợi mở rộng tại quận 1, TP.HCM, do một đơn vị tư vấn đề xuất, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, bởi việc xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm cũng là giải pháp mà TP.HCM đang triển khai nhằm thu hút cũng như tạo điều kiện cho du khách chi tiêu nhiều hơn, lưu trú lâu hơn.
Đường Lê Lợi là một trong năm tuyến đường được đề xuất làm phố đi bộ bên cạnh đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách. Với vị trí đắc địa là kết nối chợ Bến Thành và con đường đi bộ Nguyễn Huệ, việc khai thác đường Lê Lợi như thế nào rất được quan tâm.
Theo dự án, phố đi bộ Lê Lợi được bắt đầu từ giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi kéo dài đến vòng xoay Quách Thị Trang, kết nối trước chợ Bến Thành tạo thành các phố thương mại và mua sắm.
Phố đi bộ sẽ được chia thành ba không gian gồm Cung đường hiện đại dài 240m có xe bán hàng lưu động thiết kế hai tầng, Cung đường hoài cổ dài 120m với xe bán hàng thiết kế theo phong cách xưa và Cụm đường sự kiện dài 120m.
Thời gian hoạt động dự kiến là các ngày cuối tuần và từ 16h đến 2h sáng hôm sau, với nhiều phân khu gồm sản phẩm văn hóa - sự kiện, khu dịch vụ du lịch, khu thương mại - ẩm thực và khu phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện hữu.
Dù vẫn còn phải bàn thêm về cách thức vận hành cũng như hình ảnh thiết kế làm sao để không phá vỡ cảnh quan cũng như đảm bảo các yếu tố an ninh trật tự, vệ sinh... nhưng theo đơn vị tư vấn, để xây dựng một phố đi bộ hài hòa, văn minh, hiện đại như tiêu chí của đô thị TP..., cái khó nhất là tìm được mô hình khai thác để đạt được mục tiêu đề ra, và một mình doanh nghiệp không thể làm được, cần sự chung tay của địa phương.
Ông Nguyễn Duy An, phó chủ tịch UBND quận 1, cho biết quận đã có buổi làm việc và rất ủng hộ đề xuất của dự án phố đi bộ Lê Lợi. Tuy nhiên xây dựng phố đi bộ, nơi mọi người sẽ tập trung đông đúc, cần tính toán rất kỹ các tác động an ninh trật tự, đảm bảo điểm đến du lịch phải an toàn cho du khách, người dân và phải phát triển lâu dài.
Cũng theo ông An, các tuyến đi bộ khi đi vào hoạt động cũng sẽ có những vấn đề phát sinh như quản lý bia rượu, thuốc lá hay an toàn thực phẩm. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tạo được sự đồng bộ về mặt cảnh quan, sự đồng tình của các hộ kinh doanh, người dân để có tính lan tỏa cao nhất, được chào đón nhất.
Đến nay quy hoạch của tuyến đường này vẫn chưa có phương án cuối cùng trong việc phân luồng giao thông trong khi tư vấn của doanh nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng.
Địa phương này vẫn đang lấy ý kiến từ đơn vị tư vấn sử dụng không gian trên tuyến này như thế nào để quy hoạch một cách hợp lý cho các hoạt động, bám sát đúng thực tế. "Chúng tôi vẫn muốn có thêm nhà tư vấn cùng có nhiều ý tưởng cho tuyến phố đi bộ này. Hiện quận đang hoàn thiện các báo cáo để trình lên UBND TP báo cáo cũng như xin ý kiến", ông Duy An cho biết.
TTO - Đề án phố đi bộ khu vực trung tâm TP.HCM sẽ mở thêm nhiều tuyến phố nhằm phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ và tạo không gian sống cho người dân.