Tối 27-7, Chương trình cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" diễn ra tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, huyện Củ Chi, TP.HCM - một trong sáu điểm cầu trên cả nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022).
Đây là một trong các hoạt động tri ân, tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc. Hàng ngàn khán giả đã tham gia chương trình ở các điểm cầu, như lời cảm ơn các thế hệ đi trước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, các đại biểu dự chương trình tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: H.K |
Tại điểm cầu Bến Dược có sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Thị Mai, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cùng nhiều cán bộ lãnh đạo khác của các cơ quan trung ương và TP.HCM…
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo dành phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Trước khi chương trình chính thức diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo TP.HCM đã dâng hương trước anh linh của hơn 46.000 liệt sĩ là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng liệt sĩ được ghi tên trong Đền tưởng niệm Bến Dược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương trong Đền tưởng niệm. Ảnh: H.K |
Có mặt tại Đền từ sớm, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài (quận 4) cho biết mẹ vừa từ Hà Nội về sau khi tham dự chương trình gặp mặt các mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu và gia đình thân nhân liệt sĩ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung hỏi thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài (bên phải) và Kiều Thị Nông. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài chia sẻ, mẹ mất chồng trong kháng chiến chống Mỹ (1967) và mất đi người con trai đầu tại chiến trường Campuchia (1978).
Là người quê An Giang giác ngộ cách mạng từ sớm, bản thân mẹ cũng tham gia chiến đấu và chịu cảnh tù đày. Dù phải chia ly, mất mát, nỗi nhớ chồng con mỗi nhưng với mẹ niềm an ủi lớn chính là hoà bình và phát triển của đất nước.
Nhiều chiến sĩ cách mạng có mặt từ sớm tại điểm cầu Bến Dược Củ Chi. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Chương trình dài 120 phút được dàn dựng thành ba chương, gồm những dấu chân hòa bình, Bài ca không quên và Khát vọng hòa bình. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ như Tấn Minh, Uyên Linh, Thanh Lam, Cẩm Vân, Nam Khánh, Lân Nhã, Trương Quý Hải, Bảo Trâm, Thái Bảo, nhóm Dòng Thời Gian…
Các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu với những ca khúc thể hiện tinh thần chiến đấu hào hùng của bao lớp thế hệ thanh niên đã chiến đấu vì hòa bình, vì độc lập; sự cống hiến hết mình, không ngại khó, ngại khổ đi qua những mất mát của chiến tranh; hay những ca khúc tri ân, ngợi ca những người con đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: PHÚ THỌ |
Các ca khúc Lá xanh, Hát mãi khúc quân hành, Thời hoa đỏ, Người chiến sĩ ấy, Bài ca không quên, Đất nước, Huyền thoại mẹ… lần lượt được thể hiện ở các điểm cầu, mang đến không khí hào hùng.
Tiếp đó là những ca khúc ngợi ca quê hương được thể hiện da diết, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người con Việt Nam.
NSND Tạ Minh Tâm thể hiện ca khúc Bài ca không quên. Ảnh: T.T.D |
Bên cạnh điểm cầu tại TP.HCM, cầu truyền hình còn mang tới những hình ảnh và giây phút linh thiêng, lắng đọng từ các điểm cầu Hà Nội, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định, An Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính không kìm được nước mắt khi nghe ca khúc "Màu hoa đỏ". Ảnh: Chụp màn hình |
Xen kẽ giữa các tiết mục văn nghệ đặc sắc là các video ghi nhận lại hành trình đi tìm các hài cốt liệt sĩ đã nằm lại trên khắp các chiến trường khiến khán giả xúc động rưng rưng.
Thân nhân của liệt sĩ Đỗ Văn Bân xúc động nhận lại kỷ vật của người thân. Ảnh: T.T.D |
Tại đầu cầu TP.HCM, gia đình của liệt sĩ Đỗ Văn Bân bất ngờ nhận được kỷ vật của người thân. Trước đó, gia đình đã rất nhiều năm đi tìm kiếm khắp các chiến trường nơi liệt sĩ Bân công tác nhưng không có kết quả. Và hôm nay, nguyện vọng tìm được hài cốt để quy tập về nghĩa trang của gia đình anh đã thành hiện thực.
Những cánh chim bồ câu mang biểu tượng hoà bình - đó là khát vọng chung không chỉ của Việt Nam mà của mọi quốc gia trên thế giới. Ảnh: H.K |
Chương trình nghệ thuật khép lại với liên khúc Bài ca thống nhất - Giai điệu Tổ quốc, được các nghệ sĩ tại sáu điểm cầu hòa giọng.