Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank, HoSE: EIB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II và nửa đầu năm 2022 với kết quả kinh doanh khả quan sau 2 năm triền miên mâu thuẫn ở cấp thượng tầng.
Trong quý II, hầu hết các hoạt động kinh doanh của Eximbank đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, hoạt động chính đem về gần 1.418 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 44%. Các nguồn thu ngoài lãi đều tăng trưởng so cùng kỳ như lãi từ dịch vụ tăng 47%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 16%, lãi từ hoạt động khác tăng hơn 4 lần.
Eximbank báo lãi trước thuế gần 1.094 tỷ đồng riêng quý II, gấp 3,2 lần cùng kỳ.
Nhìn vào kết quả kinh doanh chung 6 tháng đầu năm 2022, các yếu tố chính tạo ra mức lợi nhuận của Eximbank là nhờ tăng trưởng hoạt động tín dụng và kinh doanh ngoại hối.
Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng gần 50% so với cùng kỳ lên 2.660 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng lên 270 tỷ đồng, tương ứng 38%, khoản đầu tư chứng khoán của Eximbank lãi 133 tỷ trong khi cùng kỳ chỉ lãi 30 tỷ đồng. Lãi khác thường đến từ thu hồi nợ đã xử lý đạt gần 400 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Trong nửa đầu năm, song song với thu nhập tăng, chi phí hoạt động của Eximbank tăng lên gần 1.500 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 11%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 35% xuống 290 tỷ đồng.
Kết quả, Eximbank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 1.903 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này chỉ hơn 550 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Eximbank tăng 5% lên 174.582 tỷ đồng, trong đó tiền gửi của khách hàng tăng 3% lên 141.495 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 124.528 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, tổng nợ xấu của Eximbank đã tăng 97 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 4,3%. Tuy nhiên, do tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng tốt, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank giảm từ mức 1,96% hồi đầu năm xuống chỉ còn 1,88%.
Xét về cơ cấu nợ xấu, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lần lượt giảm 36% và 50% so với đầu năm. Ngược lại, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 36% từ mức 1.357 tỷ đồng lên 1.852 tỷ đồng. Đến cuối quý II/2022, nợ có khả năng mất vốn của Eximbank chiếm 79% trong tổng nợ xấu.
Sau nhiều năm lục đục ở nhân sự cấp thượng tầng, nhà băng này đã tổ chức đại hội cổ đông thành công và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Tại ĐHCĐ lần 2 của Eximbank, cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch tổng tài sản sẽ tăng 7,9%, đạt 179.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Trong đó, số dư huy động vốn dự kiến tăng 7,4%, đạt 147.600 tỷ đồng và tín dụng tăng 10%, đạt 127.149 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thông báo, trong điều kiện thuận lợi, ngân hàng sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức này. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng Eximbank đặt ra không quá 1,7%.
Với các chỉ tiêu trên, Eximbank dự kiến thu về 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm, tăng 107,5% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Eximbank chỉ đạt 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2020. Nếu đạt được mức lợi nhuận này, sẽ là mức lợi nhuận cao nhất Eximbank đạt được 10 năm trở lại đây.
Như vậy, theo mục tiêu đặt ra, Eximbank đã thực hiện được khoảng 76% kế hoạch năm sau 6 tháng đầu năm.
Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, năm nay Eximbank cũng lần đầu chia cổ tức cho cổ đông sau nhiều năm. Hôm 17/6, Eximbank thông qua nghị quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 20% từ lợi nhuận sau thuế 2017-2021. Với gần 246 triệu cổ phiếu phát hành, vốn điều lệ Eximbank sẽ tăng từ 12.355 tỷ lên tối đa 14.814 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà băng này cũng thông qua phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2022. Mục đích phát hành trái phiếu của ngân hàng là để tăng quy mô vốn hoạt động của Eximbank, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.