Cần “phương tiện” phù hợp cho “Cao tốc” EVFTA là tiêu đề của bài cuối trong tuyến bài "Nhìn lại 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA", với những phân tích, khuyến nghị từ các chuyên gia, nhà quản lý.
EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam - là quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới ký với Liên minh châu Âu (EU). Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về một thị trường rộng lớn hơn, với các tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn.
Vì vậy, khuyến nghị đầu tiên được các chuyên gia đề cập vẫn là tiếp tục truyền thông về EVFTA. Để tiếp cận và thâm nhập được vào thị trường hơn 500 triệu dân thì việc phổ biến các nội dung của Hiệp định EVFTA tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với các yêu cầu cao hơn, sâu hơn là cần thiết. Bởi trong 17 chương và 2 Nghị định (được chi tiết trong 2000 trang văn bản) có rất nhiều quy định “không hề dễ hiểu”.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các cơ chế liên quan đến xuất xứ từ những thị trường cùng tham gia các hiệp định để tận dụng các ưu đãi thuế quan.
"Việc tận dụng ưu đãi của thị trường, bên cạnh các vấn đề về thuế suất thì việc đáp ứng được các hàm lượng về xuất xứ là yếu tố rất quan trọng. Để đáp ứng điều này thì một mặt các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu về các quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ trong các hiệp định, một mặt thì chúng ta cũng phải cơ cấu nguồn nguyên liệu, giá trị đầu vào để làm sao nâng cao giá trị của sản phẩm Việt Nam, hoặc là sử dụng hợp lý những các yếu tố đầu vào từ các nước cùng tham gia một hiệp định thương mại tự do thì như vậy chúng ta mới có thể đạt được các điều kiện về thuế suất ưu đãi…" - ông Hải cho biết.
Đó là chưa kể, việc tận dụng các ưu đãi, hỗ trợ từ phía EU khi ký kết Hiệp định EVFTA cũng đã dành cho Việt Nam khá nhiều cơ chế để tiếp cận khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh… mà theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương không phải doanh nghiệp hay kể cả cơ quan quản lý đã quan tâm, tìm hiểu.
Theo ông Dương: "Trong EVFTA có một điểm tương đối đặc biệt là có một Chương riêng về hợp tác và nâng cao năng lực. Đấy là một Chương trình hầu hết các bộ, ngành và các doanh nghiệp của Việt Nam rất ít quan tâm.
Chúng ta chỉ quan tâm là làm thế nào để đáp ứng được các ưu đãi thuế quan và cũng như đáp ứng các cam kết trong EVFTA thôi… Còn trong Chương hợp tác về nâng cao năng lực - đấy là Chương đem lại quyền lợi cho chúng ta. Chúng ta được quyền đòi hỏi EU có thể hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong những lĩnh vực mà chúng ta muốn, thế nhưng chúng ta lại chưa thể hiện được là chúng ta muốn gì, thì EU cũng không có nghĩa vụ phải hỗ trợ cho Việt Nam.
Và đây cũng là điều mà tôi nghĩ là bản thân cộng đồng doanh nghiệp và các Bộ, ngành cũng cần chung tiếng nói với cộng đồng doanh nghiệp để có những kiến nghị phù hợp, để EU hỗ trợ trong 1 số lĩnh vực ví dụ như: Sản phẩm nông sản, thủy sản, rồi những vấn đề được lồng ghép như là tăng quyền cho nữ giới trong hoạt động sản xuất thương mại chẳng hạn, hay là vấn đề về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đó là cách mà mình có thể lồng ghép vào các vấn đề liên quan đến xuất - nhập khẩu mà thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp với sự hỗ trợ của EU…".
Doanh nghiệp Việt Nam cần thoát khỏi tâm lý an toàn, vượt qua “vùng an toàn” để đến với những thị trường tiềm năng của Liên minh châu Âu (EU) - đó là khuyến nghị quan trọng thứ 2 được các chuyên gia nhấn mạnh. Liên minh châu Âu bao gồm 27 quốc gia, nền kinh tế thành viên, nhưng hiện nay đa số doanh nghiệp xuất khẩu của ta vẫn tập trung vào những thị trường quen thuộc mà gần như còn đang bỏ ngỏ thị trường khu vực Bắc Âu.
Cần mở rộng, đa dạng hoá thị trường, quan tâm nhiều hơn đến các thị trường ngách, những thị trường càng đòi hỏi tiêu chuẩn càng cao, càng cho giá trị gia tăng lớn.
Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), EU là thị trường khó tính với các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, nhưng điều này hoàn toàn không phải là rào cản.
"Thời gian qua nhiều doanh nghiệp chúng ta đang nghĩ rằng, vào thị trường EU có quá nhiều rào cản. Tôi không nghĩ rằng đó là rào cản. Tôi nghĩ rằng đó chính là những tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp phải nâng cấp lên để vào được thị trường EU một cách bền vững. Và thực tế đã chứng minh rằng là có nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đáp ứng các tiêu chuẩn của EU thì họ vào thị trường EU rất tốt và họ đã có mối quan hệ trao đổi thương mại phát triển bền vững, thì tôi nghĩ đấy là điểm khó khăn mà chúng ta cần phải vượt qua…" - ông Khanh nhấn mạnh.
Cần có sự tổng kết, nhìn lại quá trình 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, qua đó, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp đã tận dụng tốt (hoặc) kể cả đã gặp rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu vào thị trường EVFTA, để chủ động trong phòng ngừa và quản trị rủi ro, đó là khuyến nghị của PGS TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia thương mại khi dẫn chứng về vụ “100 container hạt điều” xuất khẩu đi Italia hồi tháng 3/2022.
Cũng theo PGS TS Phạm Tất Thắng: "Chúng ta phải tính toán đa chiều để lường trước hết tất cả các biến cố có thể xảy ra… Thí dụ như một bài học kinh nghiệm rất là xương máu đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu điều sang Ý chẳng hạn, suýt nữa thì mất không... Nhưng may có sự vào cuộc một cách kịp thời và quyết liệt của các cơ quan Bộ Công thương, Hiệp hội và đặc biệt là của Thương vụ Ý… chúng ta thấy là doanh nghiệp cần phải có sự tận dụng đối với các kênh có thể hỗ trợ cho mình…".
Một giải pháp quan trọng nữa được nhấn mạnh là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng cao, công nghệ tốt, cải cách thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp – là khuyến nghị của chuyên gia kinh tế.
TS Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội cho biết: "Theo tôi rất quan trọng cả về mặt thủ tục và thời gian vì thời gian cũng chính là tiền đấy là cái mà chúng ta kịp thời có hàng trên kệ để bán hàng. Thứ hai là hỗ trợ phần mềm - nâng cao nhận thức theo tôi là chưa đủ.
Nhà nước nên có những hỗ trợ cả về mặt hạ tầng. Tôi lấy ví dụ, bây giờ doanh nghiệp muốn xuất khẩu họ cần phải có kho chứa, chiếu tia... rất kỹ thuật…
Thứ ba, theo tôi là Nhà nước nên thông qua đào tạo, thông qua kết nối những doanh nghiệp đầu mối với các doanh nghiệp khác chứ còn để tự thân các doanh nghiệp nhỏ là rất khó… Còn đối với doanh nghiệp thì theo tôi là nên thực tế, có thể họ phát triển sản phẩm dần dần. bây giờ nhu cầu trong nước cũng tăng và họ có thể trước hết là sản xuất thử nghiệm ở trong nước với những tiêu chuẩn sản phẩm tương đương với châu Âu... thì có thể là bàn đạp tiếp theo cho việc khám phá nước ngoài".
Theo các cam kết của Hiệp định EVFTA thì càng về sau, ưu đãi dành cho các bên tham gia càng lớn. Để tận dụng tốt ưu đãi các đối tượng liên quan phải đảm bảo thực thi, tuân thủ đúng cam kết.
Các chuyên gia nhấn mạnh, bước vào năm thứ 3 thực thi Hiệp định này, Việt Nam cần tập trung để tháo gỡ những thách thức đã được chỉ ra. Việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU, cải thiện môi trường kinh doanh và chú trọng nguồn nguyên liệu để có thể tận dụng tốt hơn Hiệp định EVFTA không chỉ là vấn đề của riêng ngành thuỷ sản, hay dệt may - mà là yêu cầu chung của tất cả các ngành hàng, lĩnh vực nếu muốn tận dụng được các cơ hội từ EVFTA.
Làm tốt được những điều này cũng đồng thời giúp Việt Nam nâng cao được chính năng lực của nền kinh tế, vừa gia tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở mức cao nhất, vừa tranh thủ được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật cao của thị trường EU, góp phần phát triển bền vững, tạo vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trên trường quốc tế…/.
Xem thêm: vov.170069tsop-atfve-cot-oac-ohc-poh-uhp-neit-gnouhp-nac/et-hnik/nv.vov