Ngày 24-6, ông trùm Yevgeny Prigozhin và lực lượng Wagner tiến về Matxcơva đòi lật đổ giới lãnh đạo quân sự Nga mà ông chỉ trích là quản lý yếu kém trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên cuộc nổi loạn kết thúc trong chưa đầy 24 giờ, sau đó lãnh đạo lực lượng này đã bay sang Belarus.
Wagner sẽ không còn chiến đấu ở Ukraine
Theo Hãng tin Sputnik của Nga, điều chắc chắn sẽ xảy ra là tập đoàn đánh thuê Wagner ngừng tham chiến tại Ukraine dưới danh nghĩa một tổ chức.
Với sự tham gia thương lượng của Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp thuận việc cho phép các thành viên Wagner chọn tiếp tục tham chiến bằng cách ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga, về nhà hoặc chuyển tới Belarus sinh sống.
Tuy nhiên, sự tham gia của tập đoàn Wagner lại hoàn toàn không được đảm bảo.
Thượng tướng Andrey Kartapolov - chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Nga (Duma Quốc gia Nga) - cho biết ông trùm Yevgeny Prigozhin đã được cảnh báo từ trước cuộc nổi loạn rằng nếu binh lính Wagner không ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng, họ sẽ bị cấm tham chiến tại Ukraine.
Bên cạnh đó, Điện Kremlin cũng sẽ cắt việc tài trợ cho tập đoàn đánh thuê này.
Điều này có thể được xem là đòn chí mạng vào tập đoàn Wagner, khi vào hôm 27-6, ông Putin đã tiết lộ từ tháng 5-2022 đến tháng 5-2023, Chính phủ Nga đã tài trợ toàn bộ kinh phí vận hành của Wagner, với khoản tiền trị giá lên đến hơn 2 tỉ USD.
Các hoạt động ngoài Nga và Ukraine vẫn sẽ tiếp diễn
Ở chiều ngược lại, những phi vụ của Wagner tại các nước ngoài Nga và Ukraine như Syria, Cộng hòa Trung Phi (CAR), Mali, Sudan, Libya, Venezuela… nhiều khả năng vẫn sẽ được duy trì, bằng cách này hay cách khác.
Hôm 26-6, ngay sau khi cuộc nổi loạn kết thúc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Vershinin đã bay đến thủ đô Damascus (Syria).
Báo Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin khẳng định chuyến thăm này nhằm thông báo với Tổng thống Bashar Assad rằng lực lượng Wagner ở nước này không còn hoạt động một cách độc lập nữa.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: "Bên cạnh việc có quan hệ với tập đoàn Wagner, chính phủ các nước Cộng hòa Trung Phi (CAR) và Mali đều có liên hệ chính thức với lãnh đạo cấp cao Nga.
Thuận theo yêu cầu của CAR, Chính phủ Nga đã cử hàng ngàn binh lính đến đây với vai trò cố vấn quân sự. Việc này vẫn sẽ được duy trì".
Những động thái trên cho thấy Nga vẫn muốn duy trì hoạt động của Wagner tại các nước ngoài Nga và Ukraine, dù chưa thể hiện rõ qua phương thức nào.
Nhiều tháng qua, truyền thông phương Tây thường xuyên cáo buộc Điện Kremlin sử dụng Wagner làm "bình phong" trong việc giành ảnh hưởng quốc tế, cũng như thu về các nguồn lợi béo bở, đặc biệt từ các nước châu Phi.
Do đó, nhiều chuyên gia phương Tây quan tâm hướng đi của Nga để vừa tiếp quản Wagner, vừa "tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng".
Theo báo Financial Times, ông Samuel Ramani - nhà nghiên cứu tại Cơ quan nghiên cứu Rusi - dự đoán các hoạt động của Wagner sẽ được một công ty quân sự tư nhân khác ở Nga tiếp quản, ví dụ như công ty mới được Tập đoàn Gazprom thành lập hồi đầu năm 2023.
Wagner có thể hoạt động khi không có sự hậu thuẫn của Nga?
Hiện chưa rõ ông Prigozhin có tiếp tục chỉ đạo Wagner từ Belarus hay không. Tuy nhiên, ông Ramani cho rằng vì Wagner có quan hệ mật thiết với Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), đồng thời được vận hành bởi các cựu binh, nên dù ông Prigozhin có bị bắt hay bị giết, các phi vụ ở châu Phi vẫn sẽ tiếp tục.
Trong khi đó, ông Charles Bouessel, cố vấn cấp cao của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế ở CAR, khẳng định nếu không có sự cho phép của Nga, Wagner sẽ không thể tiếp tục hoạt động tại châu Phi.
Ông Bouessel khẳng định: "Wagner phụ thuộc nặng nề vào mạng lưới hậu cần của Bộ Quốc phòng Nga cho việc vận chuyển khí tài quân sự. Nếu không có sự hỗ trợ này, Wagner sẽ gặp khó trong việc tác chiến lâu dài".
Trái với những dự đoán thay đổi, một số chuyên gia lại đưa ra nhận định những "mô hình kinh doanh" được Wagner vận hành tại CAR và nhiều nước khác vẫn đủ để giữ cho tập đoàn này tồn tại.
Tại các nước châu Phi, không chỉ làm nhiệm vụ an ninh, Wagner còn đứng sau nhiều mỏ vàng, mỏ kim cương và các tài nguyên quý giá với trữ lượng lớn.
Theo Trung tâm Khảo sát ý kiến công chúng Nga, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin đang ở mức 78,6%. Khảo sát này đáng chú ý trong bối cảnh vừa xảy ra vụ nổi loạn của công ty lính đánh thuê Wagner.