Theo trang web của Ban Thư ký Nội các Indonesia dẫn thông tin từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa “Thị thực vàng” là cấp phép cư trú hoặc trao quyền công dân theo chương trình đầu tư. Theo đó, các công dân nước ngoài được phép cư trú hoặc cấp quốc tịch sau khi đầu tư một khoản tiền nhất định tại quốc gia này.
Đối với Indonesia, thị thực vàng được đánh giá là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong nỗ lực của Indonesia nhằm thu hút nhiều lao động và đầu tư nước ngoài hơn, đặc biệt trong lĩnh vực số hóa, y tế, nghiên cứu và công nghệ. Chính sách Thị thực vàng được ban hành do nhu cầu nhân tài trong nền kinh tế kỹ thuật số tại Indonesia, được kỳ vọng sẽ giúp thiết lập vị thế của Indonesia như một trung tâm tăng trưởng kinh tế bền vững, cải thiện không chỉ đầu tư mà còn cả cơ hội việc làm.
Theo chương trình Thị thực vàng, người nước ngoài có thể được cấp giấy phép lưu trú lên đến 10 năm. “Thị thực vàng” cũng mang lại một số lợi ích độc quyền mà những người có thị thực thông thường không được hưởng, như quy trình cấp thị thực nhanh hơn, được phép nhập cảnh nhiều lần, giấy phép lưu trú dài hơn, có quyền sở hữu tài sản ở Indonesia và được dùng làm cơ sở để nộp đơn xin nhập quốc tịch.
Điều kiện gì để nhận Thị thực vàng?
Chương trình Thị thực vàng tạo cơ hội cho những người nộp đơn đáp ứng các yêu cầu, bao gồm như trên 18 tuổi, không có tiền án và có đủ tài chính để thực hiện các khoản đầu tư cần thiết. Thực tế chi tiết của thỏa thuận vẫn đang được thảo luận và điều quan trọng mà rất nhiều nhà đầu tư quan tâm khi một quốc gia ban hành Thị thực vàng đó là họ sẽ phải đầu tư bao nhiêu để có được thị thực với nhiều ưu đãi như vậy.
Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia đã đưa ra con số khởi điểm cho các khoản đầu tư có thể là từ 30 tỷ Rp (2 triệu USD). Nếu một người đầu tư 30 đến 40 tỷ rupiah vào Indonesia có thể nhận được thị thực từ 5 đến 10 năm. Không chỉ các nhà đầu tư có thể tận hưởng chương trình này, vì chính phủ sẽ cấp cơ chế tương tự để lựa chọn người nước ngoài có tay nghề cao và những người về hưu có thu nhập cao. Mặc dù chương trình thị thực vàng mang lại cơ hội đầu tư và đóng góp kinh tế, nhưng cũng có nhiều lo ngại cần có các chính sách để đảm bảo chương trình sẽ không bị lạm dụng cho mục đích rửa tiền hoặc trốn thuế. Do đó, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia đang xem xét kế hoạch này trước khi chính thức được triển khai.
Tầm nhìn dài hạn của Indonesia
Các sáng kiến thị thực của Indonesia đều hướng đến mục tiêu trong việc thu hút nhân tài nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới và chuyên môn trong các lĩnh vực chiến lược. Nghĩa là tùy từng chương trình thị thực nhắm đến các đối tượng cụ thể. Ví dụ, tháng 11/2022, Indonesia đã công bố Chính sách thị thực quê hương thứ 2, chủ yếu nhắm vào những người nước ngoài cao tuổi, có tài chính đang muốn nghỉ hưu ở các địa điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia. Theo đó, cho phép người nước ngoài xin giấy phép lưu trú lên đến 10 năm, nếu họ có thị thực hiện tại và cung cấp bằng chứng về số tiền 2 tỷ Rp (128.559 USD) trong tài khoản ngân hàng cá nhân tại Indonesia hoặc bằng chứng về quyền sở hữu một tài sản trong nước. Trong khi đó thị thực vàng nhằm thu hút nhiều lao động và đầu tư nước ngoài đặc biệt trong lĩnh vực số hóa, y tế, nghiên cứu và công nghệ.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng với mục tiêu thu hút nhiều người nước ngoài đến Indonesia nhưng quốc gia này luôn hướng tới mục tiêu ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Đơn cử, gần đây Indonesia dừng chính sách miễn thị thực đối với 159 quốc gia, vì chính sách miễn thị thực đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, dẫn đến các vụ vi phạm quy định xuất nhập cảnh, gây rối trật tự công cộng và làm lây lan dịch bệnh.
Tính cạnh tranh trong cuộc đua Thị thực vàng?
Không chỉ Indonesia mà nhiều nước Đông Nam Á khác thời gian qua cũng đã tung ra các chiến lược lược thị thực vàng tương tự để thu hút nhân tài, nhà đầu tư và lao động quốc tế. Liệu chính sách của Indonesia có thể cạnh tranh trong cuộc đua này?
Việc sở hữu thị thực vàng tại Indonesia có cả cơ hội lẫn thách thức khi Indonesia là một nền kinh tế phát triển nhanh, chính trị khá ổn định và là nơi đầu tư hấp dẫn. Trong khi đó trên toàn thế giới, có hơn 60 quốc gia đã áp dụng Thị thực vàng. Mặc dù chưa công bố chính thức khoản tài chính một người cần đầu tư để có thị thực vàng, nhưng đã có một số phản ứng với đề xuất của Bộ trưởng Đầu tư Indonesia về con số khởi đầu cho các khoản đầu tư là 30 tỷ Rp (2 triệu USD).
Có những lo ngại cho rằng đề xuất đó liệu có đủ hấp dẫn và quá cao đối với các nhà đầu tư hay không. Với các quốc gia nhỏ hơn như Saint Kitts và Nevis đặt giá đầu tư từ 150.000 USD và các quốc gia lớn hơn như Mỹ ở mức 1,05 triệu USD. Nhiều ý kiến cho rằng lợi ích của chương trình thị thực vàng vượt xa lợi ích tài chính, giúp thúc đẩy đối thoại văn hóa, chuyển giao kiến thức và nhiều lợi ích vô hình khác sẽ mang lại cho quốc gia trong thời gian dài. Do đó chính phủ nên tạo điều kiện để có thể thu hút các tài năng nước ngoài để nhiều người có thể tham gia mà không phải vượt qua rào cản tài chính. Ngoài ra, chính phủ Indonesia cũng cần phải đảm bảo cơ sở pháp lý, chính sách để đảm bảo chương trình này sẽ không bị lạm dụng cho mục đích rửa tiền hoặc trốn thuế.