Nhiều người mua nhà mấy năm chưa xong, riêng tôi chỉ mất vỏn vẹn hai tuần, thuộc loại quá nhanh. Muốn vậy, mọi thứ phải bài bản và đều qua trung gian, ở Việt Nam hay gọi là "cò".
Trước khi mua nhà, người Mỹ phải tính đến kinh tế gia đình. Đa số người Mỹ mua nhà đều phải vay ngân hàng và phải chứng minh thu nhập.
Ngoài số tiền người mua phải có (gọi là down payment) mà các ngân hàng thường yêu cầu vào khoảng 20% giá trị căn nhà, tùy thu nhập và lãi suất, ngân hàng sẽ cho vay trả góp khoản còn lại trong 15 hoặc 30 năm.
Nhưng dù thế nào, tiền trả góp cũng không vượt quá 30% thu nhập hằng tháng. Ví dụ lương bạn 10.000 USD/tháng thì tiền trả góp không được trên 3.000 USD.
Ngoài ra người mua nhà cũng có thể trả tiền mặt nhưng phải chuyển khoản qua ngân hàng. Luật pháp Mỹ xem rửa tiền là tội phạm nên mọi giao dịch trên 10.000 USD đều được kiểm tra chặt chẽ.
Bạn không thể đem nhiều tiền mặt đi mua nhà vì sẽ không ai dám nhận. Để được phép dùng tiền của mình mua nhà, số tiền đó phải nằm trong tài khoản ngân hàng một thời gian và bạn phải chứng minh được nguồn gốc của nó.
Việc thứ hai rất quan trọng sau khi chuẩn bị về tài chính là tìm đến bên môi giới mà người Việt thường gọi là "cò", mục tiêu của chính phủ là qua trung gian để tránh lừa đảo. Điểm quan trọng là ở Mỹ "cò" phải có giấy phép và bằng cấp hành nghề.
Muốn trở thành một người môi giới bất động sản, người đó phải trải qua một khóa học, được cấp bằng và phải đóng phí cho giấy phép hành nghề. Thường người môi giới phải có công ty làm ăn trong một tổ hợp, hoặc cũng có thể làm riêng.
Người môi giới có thể đại diện cho bên mua hoặc bên bán và được trả phí 2-3% giá trị căn nhà. Nếu môi giới đại diện cho hai bên thì họ chỉ được nhận tiền từ một trong hai bên.
Ngoài ra trong giao dịch bất động sản ở Mỹ, còn có trung gian thứ hai chỉ để tính tiền và giữ tiền giao dịch. Người môi giới và người giữ tiền phải là hai nhóm khác nhau.
Điều này cho thấy giao dịch bất động sản ở Mỹ được nhà nước kiểm soát rất kỹ để tránh lừa đảo. Cũng có người muốn tự mua bán, không nhờ đến môi giới nhưng việc này không dễ vì thủ tục vô cùng phức tạp.
Người mua cũng có thể tự tìm nhà qua các trang mạng chuyên giao dịch nhà như Redfin, Zillow hoặc cùng môi giới tìm, sau đó hẹn họ đưa đi coi nhà. Sau khi thương lượng thành công với bên bán, người mua phải đặt cọc.
Sau đặt cọc, người mua có 14 ngày để suy nghĩ và thay đổi ý kiến. Sau thời gian này, nếu thay đổi ý kiến người mua sẽ bị mất cọc (thường khoảng 10.000 USD hoặc 3-5% giá trị căn nhà).
Cũng trong hai tuần này, bên mua có thể kiểm tra tình trạng căn nhà, tiếp tục thương lượng với chủ nhà về việc sửa chữa hoặc giảm giá do phải sửa chữa...
Tóm lại, ở Mỹ mua một căn nhà có sẵn, không phải như ở Việt Nam là có nhà hình thành trong tương lai - nhưng vẫn phải qua "cò" môi giới và trung gian thanh toán.
Có tốn ít phí nhưng yên tâm vì "cò" rành việc, làm có trách nhiệm (nếu không sẽ bị thu bằng), người mua có thể gác tay ngủ yên, thay vì lo lắng.
Tôi và rất nhiều khách hàng mua căn hộ hình thành trong tương lai, dự án này ở Bình Dương, do một công ty bất động sản ở TP.HCM mở bán.