Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa có kết luận về bổ sung vốn điều lệ cho Công ty Metro số 1. Theo đó, việc bảo đảm nguồn lực để duy trì hoạt động, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tiến độ vận hành khai thác thương mại tuyến metro số 1 là cần thiết, cấp bách.
Phó thủ tướng giao UBND TP.HCM rà soát, quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ của công ty cho giai đoạn chuẩn bị trước khi khai thác thương mại phù hợp với tiến độ thực tế của dự án và quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Bộ Tài chính theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về nội dung báo cáo, đề xuất.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thuận lợi, thống nhất trong thực hiện.
Như vậy, với văn bản chấp thuận của Chính phủ, nút thắt về nguồn vốn của Công ty Metro số 1 TP.HCM sẽ được khơi thông.
Thời gian qua, TP.HCM và các bộ ngành có nhiều cuộc làm việc để thảo luận và đề xuất Chính phủ phương án tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho công ty này.
Sẽ cấp vốn cho Công ty Metro số 1 từ quý 3-2023
Năm 2019, Công ty Metro số 1 được thành lập. Kể từ đó đến nay, công ty không được cấp vốn (ngoài 14 tỉ đồng vốn điều lệ ban đầu mua sắm thiết bị văn phòng cơ bản).
Việc này khiến công ty thiếu kinh phí trong thời gian dài, ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị, tuyển dụng nhân sự vận hành metro số 1.
Các phương án bổ sung vốn điều lệ cũng đã được TP.HCM và các bộ ngành đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là dự án chưa hoàn thành, công ty mới đi vào hoạt động, chưa có doanh thu.
Do vậy, phương án được TP.HCM và các bộ ngành chọn, đề xuất là điều chỉnh các quy định liên quan việc thành lập công ty để không phân kỳ cơ cấu vốn điều lệ theo từng giai đoạn như trước đây.
Mức vốn điều lệ 16.802 tỉ đồng không thay đổi so với đề án thành lập doanh nghiệp năm 2015.
Chỉ khác là không phân chia giai đoạn như trước đây và TP có thể chủ động phân bổ theo nhu cầu của doanh nghiệp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách.
Tại tờ trình gửi Chính phủ hôm 15-6, theo Bộ Tài chính, về lộ trình triển khai, trong quý 3-2023, TP.HCM sẽ cấp vốn điều lệ từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách TP.HCM cho công ty là 268 tỉ đồng (bao gồm 14 tỉ đồng vốn điều lệ ban đầu).
Việc bổ sung ngay nguồn lực để công ty duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật công nghệ metro số 1, là rất cấp thiết.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ đang thực hiện dự án metro số 1 cho hay việc Chính phủ gỡ nút thắt là tin vui cho Công ty Metro số 1 nói riêng và dự án metro số 1 nói chung.
Bởi hiện nay, metro số 1 đang có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm nay. Khi có vốn, Công ty Metro số 1 sẽ đảm bảo được kinh phí để tuyển nhân sự đào tạo, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để chuẩn bị cho vận hành thương mại.
UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn kiến nghị Bộ Tài chính giải quyết kinh phí hoạt động của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (gọi tắt Công ty Metro số 1).