Khi ban tổ chức mở cổng đăng ký cho người hâm mộ, trong một ngày đã có hơn 8 triệu người dân các quốc gia Đông Nam Á đăng ký mua vé.
Con số vượt qua cả dân số chính thức của Singapore, khiến ban tổ chức phải tăng gấp đôi số đêm diễn. Nhưng số vé bán ra cũng chỉ đáp ứng chưa tới 5% lượng người khao khát xem một siêu sao nhạc pop đương đại.
Ngay sau đó, nhóm nhạc nữ lớn nhất thế giới hiện nay là Blackpink cũng công bố lịch diễn tại Đông Nam Á. Ngoài những thành phố đã quen với việc đón các ngôi sao âm nhạc tới tổ chức show diễn như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Manila, lần này có thêm Hà Nội.
Sự kiện bốn cô gái vàng của K-pop sẽ tới sân Mỹ Đình vào mùa hè này làm "chấn động" các Blink (tên gọi người hâm mộ Blackpink) tại Việt Nam. Dự kiến làn sóng khán giả trẻ không chỉ trong nước mà có thể là cả nước ngoài sẽ đổ tới Mỹ Đình mong diện kiến Blackpink.
Du lịch âm nhạc không phải một ý niệm mới. Nó không đơn thuần chỉ là quảng bá du lịch một cách vu vơ qua các MV ca nhạc.
Xa hơn thế, là khơi gợi những chuyến hành hương âm nhạc.
Từ lâu ở châu Âu, người ta đã đổ xô tới Liverpool để tham gia tour khám phá các địa điểm tuổi thơ của ban nhạc The Beatles, hay khăn gói tới Salzburg để biết một nơi thế nào mới có thể sản sinh ra Mozart.
Những ví dụ như vậy vẫn còn tương đối xa vời với các quốc gia Đông Nam Á, với nền công nghiệp âm nhạc chưa hoàn thiện, và có lẽ cần nhiều thời gian để xây được các tượng đài tầm quốc tế để làm thỏi nam châm hấp dẫn du khách.
Nhưng thu hút du lịch thông qua các tour diễn của các ngôi sao nước ngoài thì các quốc gia Đông Nam Á vẫn đang từng bước thực hiện, và Việt Nam cũng có thể đạt tới.
Trước đây, khi dừng chân tại châu Á, các ngôi sao lớn thường ưu tiên Nhật Bản - một thị trường có sức mua cao, cơ sở vật chất hoàn chỉnh, và nền công nghiệp âm nhạc nội địa thịnh vượng.
Nhưng những năm gần đây, họ đã bắt đầu điền thêm các điểm dừng chân Đông Nam Á, bởi sự bùng nổ tầng lớp trung lưu trẻ ở khu vực này.
Nhìn 8 triệu "vận động viên" chạy đua cho chiếc vé xem Taylor Swift là rõ!
Hơn nữa, đến Nhật Bản để nghe một buổi hòa nhạc vẫn là lựa chọn tương đối đắt đỏ với nhiều người, nhưng tới một quốc gia lân cận trong vùng Đông Nam Á thì trong tầm tay.
Điều này cũng cho phép các ngôi sao chạm tới dải khán giả rộng hơn. Còn với quốc gia tổ chức, họ có thể thu bộn tiền nhờ dịch vụ ăn uống, lưu trú. Thậm chí khán giả hòa nhạc sẽ tranh thủ dành thêm vài ngày để rong chơi.
Theo thống kê của Future Market Insights, thị trường du lịch âm nhạc trên toàn cầu đạt 5,5 tỉ USD vào năm 2022 và dự đoán đạt 11,3 tỉ USD trong 10 năm tới.
Mặc dù Bắc Mỹ và châu Âu vẫn là các khu vực dẫn đầu, nhưng châu Á - Thái Bình Dương cũng đang phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Một trong những bài học truyền cảm hứng nhất về ngành du lịch âm nhạc có lẽ là thị trấn Glastonbury ở nước Anh. Từ một thị trấn nông nghiệp nhỏ với những truyền thuyết tôn giáo bí ẩn, trong khoảng 60 năm qua, nơi đây đã thay da đổi thịt nhờ lễ hội âm nhạc Glastonbury.
Khi mới ra đời, Glastonbury chỉ thu 1 bảng Anh mỗi vé và tặng kèm người tham gia một chai sữa nhà làm. Giờ đây mỗi năm lễ hội âm nhạc này thu về cho nước Anh khoảng 100 triệu bảng nhờ hàng trăm ngàn khán giả đổ về.
Giấc mơ có thể tạo nên một ngành công nghiệp du lịch âm nhạc như vậy ở Việt Nam hay Đông Nam Á có lẽ vẫn còn viển vông.
Nhưng các điều kiện để đi những bước đầu tiên xây giấc mơ đó đã xuất hiện. Mà sau rốt, giấc mơ càng viển vông bao nhiêu thì lại càng đáng để mơ ước bấy nhiêu.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết đã kiểm tra các thủ tục hành chính trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink. Tất cả "đã đầy đủ và hợp lệ".