Cá heo ngăn gián điệp
Theo Bộ Quốc phòng Anh, số lượng cá heo của Hải quân Nga đã tăng gần gấp đôi trong những tuần gần đây.
Trang tin Science Alert cho biết có tới 7 con cá heo đang hoạt động quanh cảng Sevastopol vào lúc này. Một số con được di chuyển xung quanh căn cứ bằng thuyền trong những chiếc bể được thiết kế đặc biệt.
Chúng được cho là một lực lượng "tinh nhuệ" của hải quân.
Năm 2017, truyền hình nhà nước Nga đưa tin nước này đang thử nghiệm dùng cá voi beluga, cá heo mũi chai và một số loài hải cẩu để bảo vệ lối vào căn cứ hải quân, hỗ trợ thợ lặn và có thể giết những người lạ xâm nhập lãnh thổ của chúng.
Người ta cho rằng Hải quân Nga đã triển khai động vật biển trong lĩnh vực quân sự nhiều năm, ban đầu là những con cá voi do thám. Chúng mang theo thiết bị của Nga, phục vụ cho mục đích giám sát.
Tuy nhiên, những con cá voi này thể hiện sự thân thiện khác thường đối với con người, hoặc sẵn sàng đến gần những chiếc thuyền. Các nhà nghiên cứu lý giải sự thân thiện ấy có thể là để chúng thoát khỏi sự kiểm soát của con người.
Trong khi đó theo Đài National Geographic, Hải quân Mỹ đã có một chương trình tương tự từ những năm 1960. Họ huấn luyện các loài động vật biển có vú - bao gồm cả sư tử biển California và cá heo mũi chai - để tìm và thu hồi thiết bị bị thất lạc trên biển, cũng như xác định những kẻ xâm nhập đang bơi vào các khu vực hạn chế.
Cá heo cũng được dùng để phát hiện mìn được chôn dưới đáy biển hoặc nổi trên mặt nước, được buộc vào mỏ neo.
Khả năng phát hiện và tìm mục tiêu ở độ sâu hoặc trong nước đục của những loài động vật này là điều mà công nghệ chưa thể sao chép được.
Nhà khoa học nói về cá heo mũi chai
Các nhà nghiên cứu cho biết không ai có thể bơi tốt hơn một con cá heo, kể cả những thợ lặn lão luyện nhất dưới nước. Vì vậy chúng rất hữu ích khi phát hiện những thợ lặn gián điệp.
Mặc dù cá heo không đối đầu với thợ lặn trong trận chiến tay đôi, nhưng chúng giúp báo hiệu sự hiện diện của người lạ cho người điều khiển nó, qua đó xác định luôn vị trí của kẻ thù.
Cá heo mũi chai có thể đạt tốc độ khoảng 29 km/h trong nước, cao hơn đáng kể so với tốc độ 10 km/h mà những vận động viên bơi lội giỏi nhất có thể đạt được.
Ông Paul Nachtigall, người đứng đầu chương trình nghiên cứu động vật có vú biển tại Đại học Hawaii ở vịnh Kane'ohe, cho biết: "Cá heo mũi chai giỏi hơn bất kỳ cỗ máy nào trong việc dò mìn".
Chúng đặc biệt hiệu quả khi ở gần bờ biển, nơi có nhiều tiếng ồn do tàu bè qua lại và hoạt động lướt sóng. Các hệ thống cơ học có thể bị choáng bởi tất cả các tín hiệu đó, nhưng cá heo thì không.
Đó là vì hệ thống định vị của cá heo rất tinh vi, chúng định vị bằng tiếng vang khá chính xác, ông Nachtigall giải thích.
Ông Nachtigall đã tiến hành thử nghiệm với một con cá heo mũi chai quân sự tên BJ. Ông yêu cầu BJ phân biệt các trụ kim loại làm bằng thép không gỉ, đồng thau hoặc nhôm. Mặc dù ông đã chôn những vật thể dài 5cm này dưới lớp bùn dày nửa mét, nhưng BJ đã vượt qua một cách xuất sắc.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết cá heo làm điều này như thế nào. Nhưng đó là một chủ đề thu hút sự chú ý của các nhà khoa học quân sự và dân sự trong nhiều thập kỷ.
Martin Richardson đang bơi ở Biển Đỏ tại Ai Cập thì bị cá mập tấn công. Bị chúng cắn 5 lần, anh đang chờ chết thì bất ngờ một đàn cá heo xuất hiện.