Trung Quốc là nước xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời nhiều nhất thế giới. Nước này cũng đuổi kịp Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu xe hơi lớn nhất thế giới. Và trên hết, lâu nay những sản phẩm đơn giản, cần ít công nghệ hơn như đồ dệt may, da giày “Made in China” vẫn nổi tiếng trên khắp thế giới với mức giá siêu rẻ.
Giờ đây, Bắc Kinh đang cân nhắc có nên sử dụng sức mạnh xuất khẩu của mình để ổn định lại nền kinh tế hay không. Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ cuộc khủng hoảng bất động sản cho đến sức mua yếu ớt do người tiêu dùng vẫn thận trọng sau 3 năm đại dịch.
Những vấn đề của thị trường bất động sản Trung Quốc đã ăn sâu bén rễ và do đó rất khó giải quyết. Với một lượng lớn những ngôi nhà đã xây xong nhưng không có người mua hoặc thậm chí vẫn còn dang dở vì chủ đầu tư gặp rắc rối tài chính, ngành xây dựng của Trung Quốc đã lao dốc mạnh trong khi từng là ngành đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng GDP. Nhiều nhà phát triển bất động sản chìm trong nợ.
Vấn đề của ngành bất động sản còn lan sang toàn bộ nền kinh tế. Bởi nhà ở là tài sản chính của rất nhiều hộ gia đình Trung Quốc, giá nhà giảm sâu khiến hàng trăm triệu hộ gia đình phải siết chặt hầu bao và chi tiêu thận trọng hơn.
Xuất khẩu là giải pháp hữu hiệu nhất?
Gần đây, các quan chức cấp cao trong chính phủ Trung Quốc đã nói về kế hoạch tăng cường đầu tư để tăng năng suất và thúc đẩy thương mại nội địa. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định với kinh nghiệm từ những nước có vấn đề về tiêu dùng, có lẽ Trung Quốc vẫn sẽ quay về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.
Dựa vào xuất khẩu để tạo ra tăng trưởng là công thức thực sự hiệu quả đối với kinh tế Trung Quốc. Hơn nữa, Bắc Kinh luôn có 1 vũ khí đắc lực là đồng nội tể. Kể từ giữa tháng 1 tới nay, nhân dân tệ đã giảm khoảng 7% so với USD, giúp gia tăng đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc.
Trong quá khứ, Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á đã thoát khỏi khủng hoảng tài chính châu Á bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu. Ireland và Tây Ban Nha có động thái tương tự sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Đối với Trung Quốc, chính sách này sẽ khiến nhiều nước phản ứng vì lo ngại hàng hóa nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường sẽ làm suy yếu nền kinh tế của chính họ, cướp đi việc làm và cả thị phần của các công ty nội địa.
Tại châu Âu, quan chức chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp của một số nước đã phát tín hiệu lo ngại về tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Ví dụ mới nhất là những chiếc xe hơi của Trung Quốc khiến ngành ô tô châu Âu lao đao.
Theo nhận định của Eswar Prasad, chuyên gia kinh tế tại ĐH Cornell, khi mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải phụ thuộc vào các nước còn lại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đó sẽ là tín hiệu xấu cho triển vọng của kinh tế toàn cầu.
Deborah Elms, giám đốc 1 công ty tư vấn thương mại châu Á ở Singapore, Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Đông Nam Á. Các nước này sẽ xử lý thêm và sau đó lại xuất khẩu những hàng hóa này sang châu Âu và phương Tây.
Tuy nhiên, chặng đường “giải cứu” nền kinh tế bằng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với 1 thách thức: thặng dư thương mại trong lĩnh vực chế tạo quá lớn – chiếm 1/10 GDP. Do đó khó có thể mở rộng thêm.
Hơn nữa, sức mua tại một số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc cũng đang suy yếu sau khi tăng lãi suất để chống lại lạm phát.
Năng lượng xanh và công nghệ mới
Giới phân tích nhận định, mặc dù có nguy cơ gây ra rủi ro chính trị, vẫn có 1 lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn còn dư địa để tăng kim ngạch xuất khẩu: các công nghệ mới. Chỉ trong 2 năm, kim ngạch xuất khẩu ô tô của nước này đã tăng gấp 4 lần, lên hơn 6 tỷ USD mỗi tháng nhờ thế mạnh về xe điện. Tháng trước, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu ô tô vượt cả smartphone.
Trung Quốc cũng có lợi thế lớn về năng lượng xanh. Kim ngạch xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua, lên gần 5 tỷ USD mỗi tháng. Mặc dù các quốc gia ở EU, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác đang tăng sản lượng, Trung Quốc vẫn đang bỏ xa các đối thủ.
Các chuyên gia của World Bank và nhiều tổ chức khuyến nghị Trung Quốc nên thúc đẩy nền kinh tế nội địa bằng cách củng cố mạng lưới an sinh xã hội để các hộ gia đình cảm thấy tự tin hơn và tăng chi tiêu. Tuy nhiên, đó là 1 giải pháp tốn kém thời gian.
Với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, đầu tư thật nhiều tiền vào cơ sở hạ tầng và cả các nhà máy vẫn là lựa chọn tối ưu nhất. Đầu tư sẽ tạo ra việc làm, việc làm tạo ra thu nhập và tiền lương, và cuối cùng thu nhập và tiền lương sẽ tạo ra tiêu dùng.
Tham khảo New York Times