* TS Trần Hữu Minh (chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):
Phải có thiết bị an toàn cho trẻ
Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn giao thông, người ngồi ở vị trí ngang với lái xe ô tô hấp thụ nhiều lực xung động nên có xác suất tử vong cao gấp bốn lần so với ngồi ghế sau.
Việc cấm trẻ em ngồi ở hàng ghế trước và bắt buộc trẻ nhỏ (dưới 4 tuổi) phải có thiết bị an toàn như đề xuất của Bộ Công an là có cơ sở. Đồng thời, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định này.
Dây an toàn trên xe ô tô được thiết kế cho người trưởng thành và có tác dụng rất nhỏ đối với trẻ em. Do vậy, cần thiết phải có thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ và phải được luật hóa sớm tại Việt Nam. Từ đó các cơ quan chức năng có những bộ tiêu chuẩn, quy định cụ thể về thiết bị này.
* TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên giám đốc Nhà xuất bản GTVT):
Cần sớm luật hóa
Tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Công an. Nhiều nước có quy định không cho trẻ em ngồi gần người lái. Trẻ dưới 10 tuổi chưa đầy đủ hiểu biết và hiếu động, ngồi bên cạnh tay lái có thể gây ảnh hưởng, thậm chí khiến lái xe mất tập trung, vô tình làm mất an toàn.
Thêm vào đó, khi va chạm thông thường phía trước chịu ảnh hưởng nặng nhất và dù có thắt dây an toàn nhưng khả năng nguy hiểm, bị sát thương nặng có xác suất cao hơn.
Do đó, cần sớm luật hóa quy định này và cần nghiêm túc thực hiện chứ không thể thương con rồi cho ngồi phía trước cùng. Không được đùa với vấn đề an toàn.
Trong xu hướng nhiều gia đình trẻ chuyển sang sử dụng ô tô tăng nhanh tại Việt Nam, quy định về thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em vô cùng cần thiết, để giữ trẻ không bị văng ra khỏi chỗ ngồi, ngăn chặn việc trẻ bị va đập vào các bề mặt nội thất của xe hay các vật thể bên ngoài.
Đồng thời, hướng các lực tác động lên trẻ tới các vị trí có sức chịu lực mạnh nhất, phân bố lực tác động, bảo vệ đầu, cổ và cột sống của trẻ nếu có xảy ra va chạm.
* Ông Bùi Danh Liên (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội):
Cần có đánh giá, nghiên cứu cụ thể
Tôi ủng hộ nhưng vẫn lo lắng với tính khả thi của đề xuất này trong điều kiện thực tế của xã hội, giao thông Việt Nam hiện nay.
Đề xuất này liệu đã phù hợp với trình độ, nhận thức của người dân hay chưa? Liệu người dân có nghiêm túc thực hiện hay không? Việc xác định các trường hợp trẻ em dưới 10 tuổi hoặc dưới 1,35m cũng rất khó cho việc xử lý vi phạm.
Đó là những vấn đề cần phải có đánh giá tác động, nghiên cứu cụ thể, tránh việc ban hành rồi nhưng sau đó người dân lại không nghiêm túc thực hiện.
Cùng với đề xuất các quy định cần phải có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nhận thức rõ các vấn đề, đặc biệt liên quan an toàn của trẻ em khi ngồi trong xe ô tô lưu thông trên đường.
THÀNH CHUNG ghi
Xem thêm: mth.49913330160703202-ot-o-court-ehg-iogn-coud-gnohk-iout-01-ioud-ert/nv.ertiout