Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, nghị quyết nhắm vào Wagner được Hội đồng nghị viện OSCE thông qua trong phiên họp từ ngày 30-6 đến 4-7 tại Canada.
Nga, Ukraine, phần lớn châu Âu và một số nước khác là thành viên của OSCE. Đây cũng là tổ chức hợp tác định hướng an ninh lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Nhưng trong lúc châu Âu "nổ phát súng" đầu tiên hướng về phía Wagner khi xem tập đoàn lính đánh thuê này là "khủng bố", Mỹ vẫn im hơi lặng tiếng dù là một trong những nước hỗ trợ Ukraine nhiều nhất từ lúc xung đột nổ ra.
Mỹ chưa xem Wagner là khủng bố
Hồi tháng 1 năm nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xem Wagner là "tổ chức tội phạm xuyên quốc gia". Tháng trước, Mỹ trừng phạt người đứng đầu Wagner ở Mali vì đã tìm cách vận chuyển vũ khí qua quốc gia châu Phi này tới Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, vào tháng 4, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ không đưa ra quyết định xem tập đoàn quân sự tư nhân Wagner là "tổ chức khủng bố nước ngoài", bất chấp các diễn biến ở Ukraine.
"Chúng tôi không đưa ra quyết định nào như vậy và tôi không có gì để nói", ông Kirby nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ngày 20-4.
Tới đầu tháng 6 vừa qua, nguyên nhân của sự chần chừ ở Washington đã được hé lộ.
Theo báo The Hill, mặc dù các đảng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ việc coi Wagner là một nhóm khủng bố, nhưng Nhà Trắng lại phản đối vì lo ngại rằng động thái này sẽ gây tổn hại đến quan hệ của Mỹ, đặc biệt là với các quốc gia châu Phi đang dùng Wagner như một công ty an ninh tư nhân.
Cụ thể hơn, Nhà Trắng lo ngại rằng các biện pháp cứng rắn với Wagner, như xem lực lượng này là khủng bố, sẽ khiến các quan chức Mỹ khó nói chuyện với các nhà lãnh đạo châu Phi đang thuê Wagner.
"Tôi nghĩ chúng ta cần buộc Wagner chịu trách nhiệm về những gì mà họ đang gây ra và chúng ta chỉ cần đảm bảo rằng những gì chúng ta đang làm không gây ra những hậu quả ngoài ý muốn", thượng nghị sĩ Pete Ricketts của Đảng Cộng hòa nói với báo The Hill.
Theo The Hill, Wagner để lại nhiều tai tiếng khi hoạt động ở châu Phi, nơi nhiều nước thuê lực lượng này để bổ sung cho quân đội còn yếu kém.
Mỹ tìm ảnh hưởng ở châu Phi
Trong tháng 3 vừa qua, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có chuyến công du 9 ngày tới các nước châu Phi Ghana, Tanzania và Zambia.
Vừa đặt chân tới Ghana, điểm đến đầu tiên ngày 26-3, bà Harris đã khẳng định: "Mỹ sẽ tăng cường đầu tư cho châu Phi để giúp khu vực này tăng trưởng kinh tế".
Ở cả 3 nước, bà Harris không đề cập nhiều đến những điều kiện xưa nay Mỹ coi là tiên quyết như dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền hay bình đẳng giới. Thay vào đó, bà Harris công bố những sáng kiến và chương trình hợp tác kinh tế - tài chính mới của Mỹ.
Các dự án này nhằm hỗ trợ các nước châu Phi ứng phó những vấn đề và thách thức thời sự nhất, như chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, giáo dục và đào tạo, y tế và xã hội.
Vào tháng 12 năm ngoái, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi, Washington đã cam kết tài trợ 55 tỉ USD cho châu Phi trong ba năm.
Mỹ muốn tăng vị thế ở châu Phi thì phải vượt qua sức ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi với 254 tỉ USD trong năm 2021, gấp bốn lần thương mại Mỹ - châu Phi.
Hội đồng nghị viện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã thông qua nghị quyết xem tập đoàn lính đánh thuê Wagner là khủng bố.