Tham dự có nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải; Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng lãnh đạo các sở ngành, địa phương.
Lễ giỗ được tổ chức hằng năm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ các anh hùng Liệt sĩ, các dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh Phạm Văn Lũy hồi tưởng, đêm 15-6-1968 đoàn dân công gồm 55 người vượt đồng bưng xuống Đức Hòa, Long An để tải đạn về Sài Gòn.
Đến góc bưng của kinh Láng Cát, đoàn bị địch phát hiện, bắn xối xả. Cuộc tấn công ác liệt bằng rốc két khiến 32 dân công hỏa tuyến gồm 25 nữ, 7 nam hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Sự kiện hi sinh của 32 dân công hỏa tuyến là bài học sáng mãi trong trang sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân Bình Chánh, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
"Sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ, vững bước đi lên của Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B chính là sự tri ân có ý nghĩa thiết thực nhất đối với công ơn to lớn của các thế hệ cha anh", ông Lũy nói.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Vĩnh Lộc là vùng đất nằm ở địa thế giáp với căn cứ Vườn Thơm và căn cứ Củ Chi. Là vùng ven của TP.HCM, Vĩnh Lộc liên tục có nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Những người con của quê hương Vĩnh Lộc kiến quyết bám đất, bám dân, cùng quân dân Nam bộ và cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thắng lợi của chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968.
Trong thắng lợi vẻ vang ấy, không thể quên sự cống hiến thầm lặng của những dân công, những người chăm chỉ với đồng áng vào ban ngày và phụng sự tổ quốc, phục vụ cách mạng vào ban đêm.
TTO - Ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có một con đường mang tên Nữ Dân Công hay Dân Công Hỏa Tuyến. Cuối con đường ấy là khu di tích tưởng niệm 32 dân công đã hi sinh đêm 15-6-1968.