Bị kiện đòi trả 15 cây vàng
Ông Thi Văn Nghi gửi đơn phản ánh đến Báo Thanh Niên với mong muốn được Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) H.Củ Chi, TP.HCM chấp thuận để vợ ông là bà Nguyễn Thị Thu (62 tuổi) trả cho vợ chồng ông P.N.Â. và bà Đ.T.N.Th gần 300 triệu đồng và nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đối với 427 m2 đất.
Trước đó, bà Thu bị vợ chồng ông P.N. kiện ra TAND H.Củ Chi để đòi trả 15 cây vàng SJC (tương đương 550 triệu đồng) và tiền lãi, tổng cộng gần 650 triệu đồng. Lý do vợ chồng ông P.N. đưa ra là năm 2010, vợ chồng ông cho bà Thu vay 15 cây vàng, hai bên có viết giấy nợ. Để đảm bảo cho khoản nợ này, bà Thu đã giao cho bên nguyên đơn một giấy CNQSDĐ.
Ngược lại, bà Thu cho rằng, mình không vay vàng mà là con trai bà vay tiền rồi lấy giấy CNQSDĐ của bà đưa cho ông P.N.Â. Sau đó, ông P.N. nói con bà thiếu 200 triệu đồng và cả tiền lãi lên tới 420 triệu đồng (tương đương 15 cây vàng). Ông P.N. buộc gia đình bà ký vào hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Từ đó, bà Thu không chấp nhận trả 15 cây vàng, và yêu cầu nguyên đơn giao trả lại giấy CNQSDĐ.
Đầu năm 2014, TAND H.Củ Chi xét xử sơ thẩm, tuyên buộc bà Thu phải trả cho vợ chồng ông P.N. gần 300 triệu đồng; phía ông P.N. phải trả lại giấy CNQSDĐ.
Sau đó, vợ chồng ông P.N. kháng cáo bản án trên. Tháng 7.2014, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, tuyên buộc bà Thu phải trả cho vợ chồng ông P.N. hơn 500 triệu đồng; buộc vợ chồng ông P.N. phải trả lại giấy CNQSDĐ.
Hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, để xét xử lại
Do vợ chồng ông Nghi không tự nguyện thi hành án nên năm 2015, cơ quan thi hành đã kê biên, bán đấu giá 427 m2 đất mà bà Thu đứng tên để thi hành hai bản án (vụ trả tiền cho vợ chồng ông P.N. và một vụ tranh chấp khác liên quan đến vợ chồng ông Nghi - PV), được hơn 2 tỉ đồng. Sau khi thi hành xong hai bản án, còn dư hơn 1,1 tỉ đồng, vợ chồng ông Nghi không đồng ý nhận lại nên Chi cục đang gửi tiết kiệm.
Giữa năm 2017, bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM bị Chánh án TAND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Ba tháng sau, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, để xét xử lại. Theo quyết định giám đốc thẩm, cấp sơ thẩm xác định không có căn cứ khẳng định bà Thu nhận 15 lượng vàng, từ đó buộc bà trả gần 300 triệu đồng là có cơ sở, còn tòa phúc thẩm lại căn cứ vào giấy nhận nợ để buộc bà Thu thanh toán hơn 500 triệu đồng là chưa xem xét, đánh giá toàn diện vụ án.
Tuy nhiên, quá trình xét xử phúc thẩm lần hai trở lại, vợ chồng ông P.N. kháng cáo và dù đã được tòa triệu tập nhiều lần nhưng đều vắng mặt không có lý do. Vì vậy, tháng 9.2019, TAND TP.HCM quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Do đó, bản án sơ thẩm của TAND H.Củ Chi có hiệu lực.
Lúc này, bà Thu làm đơn gửi Chi cục THADS H.Củ Chi yêu cầu tổ chức thi hành bản án sơ thẩm, theo đó bà sẽ trả gần 300 triệu đồng cho vợ chồng ông P.N. để được nhận lại giấy CNQSDĐ, nhưng tới nay chưa được chấp nhận.
Có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án bồi thường
Trước sự việc này, ông Nghi tỏ ra rất buồn rầu vì không biết phải làm sao để vợ chồng ông có thể nhận lại được đất. Nhiều năm nay, ông Nghi gửi đơn khắp nơi để cầu cứu. "Nhờ có thửa đất đó mà vợ chồng tôi mở quán bán hủ tiếu mưu sinh và nuôi các con trưởng thành. Nhưng giờ thì không còn, cuộc sống vì thế cũng cơ cực hơn", ông Nghi nói.
Liên quan vụ việc trên, trao đổi với Thanh Niên, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hòa thông tin việc thi hành bản án sơ thẩm năm 2014 của TAND H.Củ Chi và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã được Chi cục tổ chức thi hành xong trước khi có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Hiện Chi cục tạm giữ của bà Thu hơn 1,1 tỉ đồng, vì vậy không có cơ sở để cho bà Thu nộp tiền thi hành án theo đề nghị của ông Nghi.
Năm 2020, Cục THADS TP.HCM cũng có kết luận: "Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm không giải quyết hậu quả pháp lý của bản án đã gây khó khăn cho cơ quan thi hành án". Do đó, năm 2020, Chi cục THADS H.Củ Chi đã kiến nghị TAND cấp cao và Viện KSND cấp cao tại TP.HCM xem xét kháng nghị "quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm" nhưng không được chấp nhận.
Theo vị cục trưởng, chấp hành viên đã tổ chức thi hành xong bản án phúc thẩm từ việc kê biên, bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án với diện tích 427 m2 đất. Ông P.N. cũng đã nộp lại bản chính giấy CNQSDĐ mang tên bà Thu, để lập thủ tục đăng bộ cho người mua trúng đấu giá tài sản. Do đó, không thể trả lại giấy CNQSDĐ cho vợ chồng ông Nghi.
"Chi cục cần cho các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản. Trường hợp không thỏa thuận được thì Chi cục hướng dẫn đương sự liên hệ cơ quan đã ra bản án, quyết định bị hủy, sửa để yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại", ông Hòa nói.
Về trường hợp này, theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), do vợ chồng ông Nghi không tự nguyện thi hành án, nên thời điểm Chi cục THADS H.Củ Chi bán đấu giá thửa đất để thi hành cho hai bản án là không sai. Căn cứ điều 135 luật Thi hành án dân sự, thửa đất đã chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba mua ngay tình nên vợ chồng ông Nghi không thể lấy lại. Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị hủy, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Do đó, nếu bà Thu có căn cứ chứng minh việc thửa đất bị bán đấu giá dẫn đến gây thiệt hại, thì có quyền khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ngoài ra, cũng theo bản án sơ thẩm thì bà Thu chỉ phải trả cho vợ chồng ông P.N. gần 300 triệu đồng, chứ không phải hơn 500 triệu đồng. Do đó, số tiền mà phía vợ chồng ông P.N. nhận dư thì phải hoàn trả lại cho bà Thu. Nếu không trả thì bà Thu có quyền khởi kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi của mình.