Nhưng nhiều người còn biết một Trịnh Hoàng Xuân Phúc khác, gây chú ý khi từng là đạo diễn MV cải lương cho các nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền... Anh trò chuyện cùng Tuổi Trẻ:
- Thời kỳ cải lương thịnh hành là lúc tôi chừng 8-9 tuổi. Hôm nào có đoàn về gần nhà là lo học bài sớm để tối xin ba má đi coi hát. Cứ thế mà không biết tự bao giờ những âm điệu ngũ cung, những bài lý, dân ca Nam Bộ ăn sâu vào tâm trí đứa học trò tiểu học.
Có lần về vùng ngoại ô Thủ Dầu Một (Bình Dương), nghe được bài vọng cổ Cô bán đèn hoa giấy do NSND Lệ Thủy hát từ chiếc radio vọng ra từ chòi lá của bác nông dân, tôi mê mẩn.
Thế là đi tầm sư học đạo, được đạo diễn sân khấu Hữu Hạnh (Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Bình Dương) chỉ những bài bản cải lương. Rồi làm việc chung với nhiều nghệ sĩ tên tuổi, tôi may mắn được họ chia sẻ thêm kinh nghiệm quý song song với kiến thức học ở trường.
Làm nghề cũng là một nghệ thuật
* Nghe là hồi du học Úc, anh cũng bày nhiều trò lắm với bộ môn nghệ thuật dân tộc này?
- Trong một gala văn nghệ của sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales, tôi và những người bạn đã diễn tiểu phẩm có kết hợp âm thanh của đàn tranh, sáo, bầu đã gây xúc động mạnh cho khán giả xa quê.
Lần khác, tiểu phẩm cải lương Tiếng hát lòng mẹ do chính tôi viết kịch bản, đạo diễn kiêm luôn diễn viên trong chương trình biểu diễn nghệ thuật Việt Nam do một tiến sĩ Trường ĐH Công nghệ Sydney tổ chức cũng được các giáo sư, nghiên cứu sinh nghiên cứu về Việt Nam trầm trồ khen ngợi.
Đặc biệt, có một năm tôi đã mời được NSƯT Thành Lộc sang giao lưu, biểu diễn phục vụ và anh Lộc đã chinh phục được các khán giả trẻ ở Sydney. Ngoài tham gia hoạt động phục vụ đời sống tinh thần cho sinh viên Việt Nam, tôi còn lan tỏa văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế qua việc mặc áo bà ba, áo dài đến trường, có khi mở cửa hàng bán xôi, chè Việt Nam.
* Có đam mê, năng lực và cũng có chút ít tiếng tăm trong nghệ thuật nhưng sao anh lại rẽ hướng qua giáo dục? Anh hài lòng với những gì mình đang làm?
- Lúc mới về nước năm 2015, tôi có công tác trong lĩnh vực truyền thông - giải trí, cũng thực hiện nhiều phim truyện cải lương, có phát sóng trên các kênh truyền hình. Nhưng sau đó tôi quyết định rẽ hướng, chọn BETU, thử sức ở trong môi trường giáo dục. Ngoài chuyên môn, tôi có giảng dạy các học phần về quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, các khóa ngắn hạn về đào tạo kỹ năng.
Tôi đã công tác tại trường đến nay là sáu năm, có thể chưa quá dài nhưng đủ để hạnh phúc với lựa chọn của mình. Tôi nghĩ mình rất "giàu" khi có cả "gia tài tình cảm" của học sinh từ khắp nơi. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với công việc hướng nghiệp.
Tôi nhớ hoài hình ảnh người mẹ nghèo ở Gia Lai chỉ muốn con nghỉ học vì nhà nghèo quá nhưng sau khi chia sẻ cùng tôi đã thay đổi quyết định mà hiện tại, người con ấy là sinh viên năm hai một trường đại học lớn.
Mong học sinh được hướng nghiệp sớm
* Nhiều năm làm hướng nghiệp, bí quyết nào anh có thể chia sẻ để chọn nghề đúng sở trường, phù hợp khả năng?
- Thực ra chúng tôi đều mong các bạn học sinh định vị được bản thân, hiểu ngành nghề muốn chọn mới có thể chọn được ngành phù hợp năng lực bản thân, tài chính gia đình. Phải biết mình đam mê gì mới chọn khối thi phù hợp ngành học yêu thích.
Thứ nữa, phải cân đối giữa năng lực bản thân và yêu cầu đầu vào của trường, cả điều kiện tài chính của gia đình. Hãy tận dụng các ngày hội hướng nghiệp - tuyển sinh, các buổi tư vấn trực tiếp hay trực tuyến trên mạng xã hội để nắm bắt thông tin, khi cần có cái mà dùng.
* Giả sử một ai đó chọn sai ngành mà tới nửa đường mới phát hiện ra và bạn ấy tìm đến thầy Phúc, anh sẽ tư vấn gì?
- Nếu có sinh viên như thế tìm đến, trước tiên tôi cần tìm hiểu rõ vì sao bạn không đam mê ngành đang học, hỗ trợ liệt kê những ngành bạn yêu thích. Qua đó giúp bạn xác định lại ngành phù hợp, phân tích về các ngành ấy cũng như lộ trình phát triển. Cộng với đánh giá giá trị nghề nghiệp của bạn có phù hợp với ngành đó không, mức độ yêu thích, tính sẵn sàng của bạn để đổi ngành mới như thế nào.
Tôi hay nói với ban giám hiệu các trường THPT rằng nên hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 10 chứ đừng đợi tới lớp 12. Được hướng nghiệp sớm, các em sẽ xác định được năng lực bản thân để tập trung vào các môn học phù hợp.
Phụ huynh và học sinh có thể tìm kiếm thông tin trên mạng, website của các trường, cả tham vấn thầy cô phụ trách hướng nghiệp. Có thể làm trắc nghiệm để thấu hiểu bản thân, tính cách sao cho có sự chọn lựa đúng đắn, phù hợp với nghề nghiệp tương lai.
Chọn nghiêm túc sẽ bớt lãng phí
Mỗi năm có hàng trăm ngàn hồ sơ trúng tuyển đại học nhưng cũng có không ít bạn sau một thời gia học mới nhận ra ngành học không phù hợp với bản thân. Có người chuyển ngành, chuyển trường, thậm chí bỏ học.
Việc không được hướng nghiệp sớm, không thực sự nghiêm túc chọn ngành hoặc đăng ký học theo ý muốn phụ huynh, theo trào lưu bạn bè... đã gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền bạc của gia đình cũng như chính các em.
TTXuân - Đi học ở nước ngoài, Trịnh Hoàng Xuân Phúc vẫn thường mặc áo bà ba đến trường. Bạn bè thắc mắc chàng trai 22 tuổi ấy muốn “chơi nổi” hay vì lẽ gì?