Tại chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/7, ông Paul Antoine Croize cho rằng, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tại Việt Nam phát triển đại trà, hầu như xã nào cũng có nhưng giá trị thấp. Tại châu Âu, mỗi nước chỉ tập trung vào một vài sản phẩm lợi thế và dồn toàn lực để phát triển sản phẩm đó. Chẳng hạn, rượu vang nhờ tập trung phát triển mà đạt được doanh số sản xuất ngoạn mục là 5 tỉ USD. Chính phủ cũng hỗ trợ nhưng đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ.
Để các sản phẩm vào thị trường châu Âu, ông Paul Antoine Croize cho rằng các DN cần quan tâm 3 yếu tố gồm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả, nhận diện thương hiệu. Sản phẩm của Việt Nam rất nhiều nhưng đa phần không có thương hiệu hoặc ít đầu tư về nhãn mác, thương hiệu để người tiêu dùng nhận diện, trong khi đó chi phí đầu tư lĩnh vực này không hề cao.
Ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) - thông tin, gần đây, AHK Việt Nam ngày càng nhận được nhiều yêu cầu tìm nhà cung ứng tại Việt Nam. Thách thức với các DN Việt Nam là từ đầu năm 2023, Đức đã áp dụng đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG). Điều này buộc các DN phải đổi mới máy móc, không ngừng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sản xuất theo xu hướng xanh và bền vững.
Khách tham quan tìm hiểu một gian hàng sản phẩm OCOP - Ảnh: Thanh Hoa |
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam giảm 12,1%, trong đó riêng TPHCM giảm sâu đến 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự ước, các xung đột địa chính trị ở một số quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu biến động nhanh, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, mối đe dọa an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của cả nước.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi - đưa ra 5 giải pháp cho DN. Thứ nhất, tiếp tục đảm bảo đầu vào ổn định cho sản xuất và xuất khẩu. Trong đó cần phải đa dạng hóa nguồn cung đầu vào về phân bón, dệt may, gia giày.
Thứ hai, cần phải chuyển đổi sản xuất nhanh mạnh theo hướng xanh và tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Trong bối cảnh này, để thâm nhập vào thị trường xuất khẩu thì phải có gì đó khác hơn đối thủ cạnh tranh, trong khi thị trường yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về an toàn, sạch xanh, môi trường, lao động. Một ví dụ thực tế là Việt Nam mạnh về dệt may, mỗi năm xuất khẩu hơn 30 tỉ USD, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh, trong khi đó Bangladesh, Thái Lan vẫn tăng trưởng xuất khẩu mạnh vì họ đi nhanh xanh hóa sản xuất dệt may. Hiện có hơn 200 nhà máy của Bangladesh được cấp chứng chỉ sản xuất xanh.
Thứ ba, phải tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường gần nhất nhưng chúng ta chưa khai thác hết chưa kể các thị trường như Ấn Độ, châu Phi... tiềm năng xuất khẩu rất lớn.
Thứ tư, nên tiếp tục khai thác tận thị trường mà chúng ta đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sắp ký trong thời gian tới. Trong năm nay ta có 17 FTA đi vào thực thi.
Thứ năm, DN cần tiếp tục tăng cường kết nối đưa hàng vào các chuỗi phân phối nước ngoài vì đây là kênh xuất khẩu quan trọng nhưng thời gian qua các DN chưa khai thác hợp lý.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.4226941a-ua-uahc-iov-man-teiv-auig-poco-mal-hcac-gnort-teib-cahk/nv.moc.enilnounuhp.www