Dự phiên họp có đại diện Ban Dân vận Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương, Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính…
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện Bộ Công an dự, báo cáo kết quả công tác của Bộ Công an.
Cần thúc đẩy phát triển đời sống đồng bào Tây Nguyên
Báo cáo công tác của Bộ Công an về vụ việc dư luận cử tri quan tâm trong báo cáo của Ban Dân nguyện liên quan vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk sáng 11/6/2023, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, về vụ việc tại Đắk Lắk ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã chủ trì, huy động toàn bộ lực lượng vũ trang, hệ thống chính trị, phương tiện, biện pháp truy kích và quyết tâm bắt bằng hết số đối tượng tham gia vào vụ việc này, thu hồi triệt để các loại vũ khí, vật liệu nổ được sử dụng để gây án.
Toàn cảnh phiên họp. |
Đến nay, Bộ Công an đã bắt trên 90 đối tượng; ra quyết định truy nã đặc biệt 05 đối tượng liên quan về các tội: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Không tố giác tội phạm; Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. “Qua khám nghiệm hiện trường, làm các công việc liên quan đến điều tra, thì có thể thấy đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có sự chỉ đạo, tiếp tay của các thế lực thù địch ở nước ngoài” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói và cho biết thêm, tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và khu vực miền trung Tây Nguyên được ổn định, hoạt động của người dân quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, trên không gian mạng, các thế lực thù địch lợi dụng tình trạng này để tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Các luận điệu này đã rất cũ và không đúng bản chất sự việc. Bộ Công an đang tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp chính quyền vùng Tây Nguyên có giải pháp tổng thể; sự vào cuộc toàn quân, toàn dân, lực lượng vũ trang, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
“Nhân đây, đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm, chỉ đạo, rà soát, thúc đẩy ba chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, nhất là tập trung cho địa bàn vùng Tây Nguyên để xóa đi điều kiện dẫn đến vụ việc tương tự; trong đó, tập trung vào xóa đói giảm nghèo bền vững, chương trình chăm lo phát triển đời sống, vật chất, tinh thần cho người đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên; nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mới... Đề nghị Quốc hội có chỉ đạo, rà soát lại văn bản, chủ trương cơ chế để các chương trình mục tiêu quốc gia sớm đi vào cuộc sống” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Bộ Công an gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án 06
Về các kiến nghị của cử tri, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, trong tháng 5 và tháng 6, đặc biệt là sau Kỳ họp thứ 5, Bộ Công an đã nhận được rất nhiều ý kiến đề nghị, kiến nghị, phản ánh của công dân và cử tri. Bộ đã yêu cầu xác minh, kiểm tra, có văn bản trả lời những tất cả các thắc mắc, kiến nghị của cử tri, đạt tỷ lệ phản hồi 100%.
Về kết nối chia sẻ thông tin xác thực điện tử giải quyết nhu cầu dịch vụ công, thủ tục hành chính theo Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an là Bộ gương mẫu đi đầu. Liên tục trong tháng 5 và 6 đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo 16 Bộ trưởng thực hiện Đề án 06. Đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, dữ liệu căn cước công dân kết nối 13 bộ ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương tỉnh thành. Bước đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn do dữ liệu không đồng bộ, không sạch. Tuy nhiên, Bộ Công an đang tập trung phối hợp làm sạch dữ liệu, liên thông giải quyết kịp thời dịch vụ công trên mạng.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên họp. |
“Kết quả bước đầu chúng ta thấy kết nối chia sẻ thông tin giữa Bộ Công an với các bộ, ngành 108,7 triệu yêu cầu xác minh. Hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác minh 87% số người theo yêu cầu. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, 24/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh. Đây là những bước tiến cơ bản tiến tới đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu bộ ngành, trên cơ sở dữ liệu dân cư giải quyết hành chính” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Các nhóm giải pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm lừa đảo
Về vụ việc lừa đảo liên quan đất đai, bất động sản, lừa đảo có tính quốc tế, xuyên quốc gia, có yếu tố người nước ngoài, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, trong thời gian vừa qua có nhiều vụ việc nổi lên, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn thường xuyên thay đổi và rất tinh vi, đặc biệt có yếu tố nước ngoài.
Hiện, Bộ Công an đã và đang tập trung thực hiện các nhóm giải pháp: Tuyên truyền bằng hình thức đa dạng để người dân nâng cao nhận thức phòng ngừa tội phạm, thường xuyên thông báo thủ đoạn mới lừa đảo trên mạng để người dân kịp thời phòng tránh, kịp thời tố giác. Rà soát đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật khắc phục sơ hở tội phạm lừa đảo lợi dụng. Nắm tình hình và triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp các nhà mạng ngăn chặn phòng ngừa lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn điều kiện phát sinh tội phạm nhất là dịch vụ mới, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm như tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, hoạt động sử dụng sim thẻ điện thoại, sử dụng thẻ thanh toán ngân hàng, thanh toán qua biên giới, quản lý chặt chẽ các cuộc gọi quốc tế đặc biệt là cuộc gọi chỉ có chiều về Việt Nam và triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư xác thực, làm sạch với tài khoản ngân hàng, tài khoản thuê bao di động để giải quyết sim rác.
Tăng cường tuyên truyền ý thức phòng cháy, chữa cháy
Về vấn đề liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn trong phòng cháy, chữa cháy, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng đây là vấn đề còn bất cập, liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác nhau, cần có sự vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để giải quyết một cách hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố hỏa hoạn thương tâm, nên các kiến nghị hạ thấp tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy từ phía các doanh nghiệp cần được nghiên cứu, xem xét kỹ. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền ý thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân cũng là một giải pháp cần tích cực thực hiện trong thời gian tới.