Hôm qua (12/7), Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát rơi xuống mức thấp nhất hơn 2 năm. Có thể coi đó là bước ngoặt lớn chấm dứt tình trạng khẩn cấp mà nền kinh tế lớn nhất thế giới phải gồng mình “dập lửa” trong một thời gian dài. Tuy nhiên, giờ đây câu hỏi đặt ra là: liệu đó cũng sẽ là dấu chấm hết cho chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử của Fed?
Ở mức 3%, lạm phát của Mỹ hiện chỉ còn bằng 1/3 so với mức đỉnh 40 năm được lập cách đây 1 năm. Hơn nữa, các con số chi tiết về giá tiêu dùng trong tháng 6 đều tốt hơn dự đoán.
Nhìn vào diễn biến của thị trường tài chính trong phiên hôm qua, có vẻ các nhà đầu tư đang đặt cược rằng với số liệu lạm phát mới nhất, cú tăng hôm 26/6 sẽ là lần tăng cuối cùng, ít nhất là trong ngắn hạn. Lợi suất trái phiếu sụt giảm, cổ phiếu tăng điểm mạnh trong khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm.
Tuy nhiên, thực tế là dù đã giảm mạnh nhưng lạm phát hiện vẫn đang cao hơn mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Và, đoạn đường cuối luôn là đoạn khó nhất.
Hơn nữa, đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, người Mỹ vẫn đang phải chịu mức chi phí cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Đang tăng tốc để chuẩn bị cho nỗ lực tái tranh cử vào năm 2024, Tổng thống Joe Biden sẽ nhận thấy lạm phát vẫn sẽ trở thành “vũ khí” mà các đối thủ ở đảng Cộng hòa có thể sử dụng để chống lại ông.
Và, đối với Fed, vẫn còn nhiều thứ để lo lắng. Mặc dù lạm phát đang đi diễn biến đúng hướng, công thức tính chỉ số giá tiêu dùng khiến con số cuối cùng tốt hơn so với thực tế.
Đó là do tác dụng của “hiệu ứng cơ sở”. Vì so với tháng 6/2022, khi cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt, tỷ lệ lạm phát của tháng 6 năm nay mới giảm mạnh đến vậy. Trong những tháng tới, khi những con số của năm ngoái không còn thuận lợi như tháng 6, chỉ số này hoàn toàn có thể tăng trở lại.
Kể cả khi lạm phát đã giảm, các quan chức Fed sẽ chưa vội vã hành động. Phát biểu ngay sau khi số liệu được công bố, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin nhấn mạnh cam kết khôi phục lại sự ổn định giá cả của Fed.
“Lạm phát vẫn quá cao. Mục tiêu của chúng tôi là 2%. Nếu rút lui quá sớm, lạm phát sẽ quay trở lại mạnh mẽ và thậm chí Fed sẽ phải mạn tay hơn nữa”, ông nói.
Có 1 nguyên nhân lớn khiến lạm phát dai dẳng – nhưng cũng là yếu tố tiếp sức mạnh cho phần còn lại của nền kinh tế: thị trường lao động sôi động. Nhu cầu tuyển dụng nhân công vẫn rất cao và tiền lương tăng trưởng tốt, cho phép người Mỹ rủng rỉnh hầu bao.
Chi phí nhà ở chiếm hơn 70% mức tăng trong tháng 6, trong khi giá vé máy bay và xe đã qua sử dụng giảm so với tháng trước. Giá thực phẩm không thay đổi.
Tỷ lệ lạm phát trong giá dịch vụ cũng không thay đổi so với tháng trước. So với 1 năm trước, mức tăng là 4% - thấp nhất kể từ cuối năm 2021.
Theo Jennifer Lee – chuyên gia kinh tế cao cấp tại BMO Capital Markets, các số liệu mới nhất về lạm phát giúp Fed “dễ thở” hơn. Nếu như số liệu tháng 8 và tháng 9 đi theo xu hướng tương tự, Fed hoàn toàn có thể tạm ngừng tăng lãi suất trong thời gian dài.
Tham khảo Bloomberg
Xem thêm: nhc.244241321317032881-def-ohc-taogn-coub-pac-nahk-gnart-hnit-cuht-tek-3-gnoux-ym-tahp-mal/nv.fefac