Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 644 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Công điện nêu rõ việc cải cách thủ tục hành chính dù đạt được một số kết quả song tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Công khai các thủ tục hành chính cho người dân
Vì vậy để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính các dự án, văn bản luật. Kiên quyết chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, với chi phí tuân thủ thấp.
Công bố công khai, kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Định kỳ hằng tháng thống kê đầy đủ những thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát.
Đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và trên môi trường điện tử. Thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính, dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân, hoàn thành trong tháng 9-2023.
Rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Khẩn trương ban hành các văn bản thực thi 797 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, 627 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và 445 thủ tục hành chính phải phân cấp, hoàn thành trong tháng 9-2023.
Xử lý triệt để, dứt điểm các phản ảnh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Trước mắt tập trung xử lý dứt điểm 396 phản ảnh, kiến nghị.
Yêu cầu các bộ trưởng cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Người đứng đầu Chính phủ giao bộ trưởng các bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 nhóm thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thẩm định chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý các văn bản có quy định thủ tục hành chính trái thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm các nội dung cải cách; trình nghị định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, quá cảnh người và phương tiện.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chú trọng thanh tra việc thực hiện các văn bản về cải cách hành chính, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bộ lập các đoàn kiểm tra cải cách hành chính, xem xét, chấn chỉnh, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp trên.
Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Văn phòng Chính phủ đôn đốc bộ ngành địa phương thực hiện công điện, đảm bảo hiệu quả thực chất.
Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá.