vĐồng tin tức tài chính 365

Xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”: “Phải chi tiền thì mới được đóng dấu…"

2023-07-14 18:24

Sáng 14/7, tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, các luật sư đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo.

Theo cáo trạng, Phạm Trung Kiên là thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, có nhiệm vụ tiếp nhận, trình duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thực hiện nhiệm vụ, ông Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền hối lộ. Từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, ông Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.

Sau khi vụ án được khởi tố, ông Kiên đã chuyển trả lại cho các doanh nghiệp hơn 12 tỷ đồng. Số tiền này đã được nộp lại Cơ quan ANĐT Bộ Công an.

Bị cáo Phạm Trung Kiên

Run run trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Phạm Trung Kiên trình bày: Sau ngày 24/1, bị cáo bị nhiễm Covid-19, diễn biến nặng, phải nằm viện 1 thời gian. Khi ra viện, bị cáo biết tin về việc khởi tố vụ án, bị cáo chịu sức ép nặng. Đến lúc làm việc với CQĐT, bị cáo tìm hiểu thì thấy hành vi phạm tội của mình có thể sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất là tử hình.

“Bị cáo rất sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực đó. Bị cáo đã có thời gian điều trị tâm thần ở Bệnh viện Bạch Mai”, lời Kiên trình bày.

Phạm Trung Kiên khai, các doanh nghiệp tự chủ động tìm đến mình chứ không có hành động gì gây khó khăn, ép buộc hay làm chậm việc của các doanh nghiệp.

Có 3 doanh nghiệp đề cập với bị cáo về mức "bồi dưỡng", lúc này bị cáo nói với họ: “Các bộ ngành như thế nào thì Bộ Y tế như vậy”.

Trong khi đó, trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Vijasun tỏ ra khá bức xúc khai bị ông Kiên ép đưa tiền hối lộ. Theo lời khai của ông Dương, thậm chí ông Kiên còn thường xuyên gọi điện, nhắn tin để ép đưa tiền, nói thẳng: “Phải chi tiền thì mới được đóng dấu”.

Cũng trả lời thẩm vấn của các luật sư, bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa) thì nhiều lần khẳng định mình không đưa hối lộ, không lừa đảo, chỉ muốn ''giải cứu đồng bào'' và lời khai của các bị cáo liên quan không đúng sự thật.

Theo cáo buộc, từ tháng 6-2021 đến tháng 12-2021, Trần Minh Tuấn đã đưa hối lộ với tổng số tiền 799 triệu đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền 5,6 tỷ đồng. Bị hại trong hành vi lừa đảo của bị cáo Tuấn là bị cáo Phạm Bích Hằng (Giám đốc Công ty Vinamichi). Bị cáo Phạm Bích Hằng cũng bị truy tố tội “Đưa hối lộ” trong vụ án này.

Cụ thể, bị cáo Trần Minh Tuấn bị cáo buộc đã nhận 12,8 tỷ đồng từ bị cáo Phạm Bích Hằng để "chạy" cấp phép cách ly và cấp phép chuyến bay giải cứu. Sau đó, bị cáo Tuấn đã đưa hối lộ các cá nhân có thẩm quyền 799 triệu đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản 5,6 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Minh Tuấn

Bị cáo Tuấn khai, sau nhiều lần Hằng đề nghị hợp tác bị cáo mới nhận lời vì bị cáo nghĩ ''đấy là cơ hội để tôi đóng góp sức của mình giải cứu đồng bào''. Khi nhận lời hợp tác, bị cáo đề nghị Hằng làm rõ vai trò của hai bên.

“Hằng nói là có pháp nhân hợp pháp, có tài chính để đầu tư, có nguồn khách có nhu cầu về nước tránh dịch. Còn bị cáo có vai trò xin cấp phép các thủ tục phê duyệt chuyến bay, thuê máy bay, thuê cơ sở cách ly…" – bị cáo Tuấn trình bày.

Trả lời thẩm vấn, Trần Minh Tuấn thừa nhận từ tháng 8 đến tháng 10-2022, bị cáo Hằng đã chuyển 12,8 tỷ đồng. Bị cáo sử dụng tiền để chi phí một số khoản và đã trả lại Hằng 7 tỷ đồng.

Khai về chi phí ''chạy'' cấp phép, bị cáo Tuấn nói: ''Bị cáo Hằng còn chuyển tin nhắn âm thanh trong đó ghi lại cuộc nói chuyện của Trần Thị Mai Xa với Hằng. Nội dung trong tin nhắn, Xa hướng dẫn Hằng, mỗi một người lao động muốn xin thủ tục được cấp phép phải chi khoảng 1,5 triệu đồng cách ly, tổ công tác 5 Bộ thì 3,5 triệu đồng... Hằng còn bảo: "Đấy em chi như thế, mình làm mới thì cao hơn một chút cũng được''.

Bị cáo Tuấn nói thêm bị cáo nhận thức hối lộ là vi phạm pháp luật nhưng Hằng luôn hối thúc bị cáo đi hối lộ và bảo nếu không làm thì giới thiệu cho Hằng các mối quan hệ. ''Nên tôi phải có động tác làm như là mình đã đi hối lộ'' – cựu Giám đốc Công ty Thái Hòa giải thích và cho biết, chủ trương cách ly cũng như phê duyệt chuyến bay, bị cáo này đã xin được rất nhiều.

Trong khi đó, bị cáo Hằng khai: ''Tuấn nhắn tin cho tôi: Chị không gặp tôi thì các cơ quan tố tụng sẽ bắt chị'' và nhắn tin cho người quen của tôi rằng nếu không gặp thì Tuấn sẽ cho ''xong đời''. Việc này, Hằng đã báo cáo ngay với CQĐT.

Liên quan tội đưa hối lộ, theo cáo buộc, bị cáo Tuấn đã đưa tiền cho một số người như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng 200 triệu đồng, cựu Cục phó Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng 2.000 USD; cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh 1.000 USD… và chỉ đạo Phạm Bá Sơn, nhân viên của mình đưa cho cựu Phó Chủ tịch TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng 500 triệu đồng.

Về nội dung này, cựu Phó Chủ tịch Hà Nội khai không nhận tiền trực tiếp từ Trần Minh Tuấn nhưng ''nghĩ số tiền là của Tuấn''. Bị cáo Chử Xuân Dũng nói có tiếp xúc với Tuấn thông qua một người quen. Số tiền cảm ơn là do thư ký chuyển cho với lời nhắn là của người quen cảm ơn.

Bị cáo Dũng nói, đơn vị nào trình lên tôi cũng ký ngay vì đây là chủ trương chung. Với trách nhiệm của Hà Nội, bị cáo phải thực hiện. ''Chính vì là người quen gửi quà cám ơn nên bây giờ tôi mới phải đứng ở đây. Chứ doanh nghiệp không quen biết thì chắc chắn không có chuyện gặp gỡ hay nhận quà'' – ông Dũng trình bày.

Trà My

Xem thêm: lmth.108941_cul-pa-iohk-taoht-ed-tehc-noum-ihc/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”: “Phải chi tiền thì mới được đóng dấu…"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools