Kết luận thanh tra về cung cấp điện được Thanh tra Bộ Công Thương thực hiện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan đã chỉ ra, một trong những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm gây nên tình trạng thiếu điện đó là chậm đầu tư, hoàn thành dự án nguồn và lưới điện.
Theo đó, kết luận thanh tra chỉ ra từ ngày 1-1-2021 đến 1-6-2023, EVN và các đơn vị thành viên đã thực hiện đầu tư với 13 dự án nguồn điện, có tổng công suất là 8.973 MW; đang triển khai đầu tư 274 dự án lưới điện. Tuy nhiên các dự án này được đánh giá là chậm tiến độ.
Loạt dự án chậm tiến độ so với quy hoạch 7 điều chỉnh
Cụ thể, dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 được xác định chậm tiến độ 3 năm; dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 bị chậm nên đã phải bàn giao cho PVN; dự án Dung Quất 1 và 3 cũng bị chậm so với tiến độ dự kiến là 2023 và 2026.
Dự án thủy điện Ialy mở rộng được xác định chậm tiến độ 45 tháng so với quy hoạch 7 điều chỉnh; nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng phải xin điều chỉnh tiến độ vào năm 2025; thủy điện tích năng Bắc Ái chậm tiến độ khoảng 6 năm...
Các dự án truyền tải 500 - 220kV cũng được đánh giá là chậm tiến độ. Bao gồm đường dây 500kV mạch 3, công trình lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào, công trình phục vụ giải tỏa công suất thủy điện phía Bắc, giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo… làm giảm độ an toàn, tin cậy và khả năng cung cấp điện.
Theo kết luận thanh tra, việc không đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đầu tư dự án thuộc trách nhiệm của hội đồng thành viên và ban tổng giám đốc EVN.
Trên cơ sở yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, Thanh tra Bộ Công Thương đề nghị EVN và các đơn vị liên quan nghiêm túc tuân thủ tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt tại quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ dự án...
Làm rõ trách nhiệm dự án chậm tiến độ
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành điện, các dự án điện bị chậm tiến độ có trách nhiệm đầu tiên thuộc về EVN. Tuy nhiên các dự án này đều có quy mô đầu tư lớn, nhiều thủ tục phải xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, nên cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân gây chậm tiến độ dự án.
Trong đó có những yếu tố khách quan khi triển khai dự án mà EVN không thể xử lý hoặc có thẩm quyền quyết định. Đơn cử như những dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và 4, dự án Dung Quất 1 và 2 bị chậm tiến độ do phụ thuộc vào tiến độ triển khai các dự án cung cấp khí Lô B và Cá Voi Xanh.
Một số dự án khác gặp khó khăn như thủy điện tích năng Bắc Ái vướng mắc trong chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ; nhà máy thủy điện Hòa Bình thi công các hạng mục gặp khó khăn do địa chất phức tạp...
Với các công trình lưới điện, hàng loạt các vướng mắc được nêu ra như việc thỏa thuận hướng tuyến, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng... Chưa kể các vấn đề phát sinh như phải trình duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, liên quan tới giao đất không qua đấu giá, đấu thầu.
Với quy định này, các đơn vị phải trình hồ sơ tới các cấp có thẩm quyền để thẩm định, trước khi trình UBND tỉnh hoặc Thủ tướng phê duyệt, thời gian thường kéo dài từ 50 - 65 ngày. Trường hợp mà dự án phải thực hiện thủ tục liên quan tới đất đai, việc chuẩn bị hồ sơ trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt sẽ mất thời gian hơn nữa.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc triển khai các dự án điện phải thực hiện nhiều thủ tục, quy định phức tạp liên quan tới nhiều cơ quan thẩm định, phê duyệt. Do đó, việc các dự án chậm tiến độ cần được đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện vai trò, trách nhiệm các bên liên quan với từng dự án để có giải pháp phù hợp, sớm đưa các dự án vào vận hành, khắc phục tình trạng thiếu điện thời gian qua.
EVN cho biết sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan khi phải cắt giảm điện để rút kinh nghiệm, khắc phục trong thời gian tới.