Chưa biết “làm đẹp” mình
“Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ bên ngoài vào Việt Nam những năm gần đây, bất động sản khu công nghiệp trở thành mảng ‘hot’ và đang là ‘con gà đẻ trứng vàng’ với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài một số chủ đầu tư dạn dày kinh nghiệm, am hiểu thị trường sâu sắc và có mạng lưới khách hàng ở cả trong và ngoài nước, vẫn còn nhiều nhà phát triển khu công nghiệp trong giai đoạn chập chững bước đầu và thành công gần đây có cả yếu tố may mắn. Để đi đường dài, các đơn vị này phải chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong công tác xúc tiến đầu tư và truyền thông”, đại diện một đơn vị chuyên về xúc tiến đầu tư cho hay.
Theo vị này, với các doanh nghiệp có kinh nghiệm chinh chiến và xây dựng được thương hiệu, hoạt động xúc tiến đầu tư có nhiều thuận lợi, lý do bởi đã có được mạng lưới kết nối khách hàng rộng khắp, thậm chí mang phạm vi khu vực hay toàn cầu và khi “vua biết mặt, chúa biết tên”, công tác kinh doanh, gia tăng tỷ lệ lấp đầy không gặp quá nhiều thách thức, thế nhưng số doanh nghiệp thuộc nhóm này không nhiều. Trong khi đó, với những doanh nghiệp mới, việc tìm kiếm khách thuê khá chật vật, thường sẽ chỉ thu hút được các nhà đầu tư vừa và nhỏ với diện tích thuê không quá lớn, từ vài nghìn mét vuông đến một vài ha đối với đất công nghiệp, hay từ vài trăm đến một vài nghìn mét vuông đối với nhà kho, nhà xưởng xây sẵn.
“Ngoài ra, còn một điểm cả 2 nhóm doanh nghiệp chưa thực sự lưu tâm, đó là công tác truyền thông để cộng đồng nhà đầu tư trong, ngoài nước biết đến các khu công nghiệp, các sản phẩm - dịch vụ có thể cung cấp. Nói cách khác, nhiều nhà phát triển khu công nghiệp chưa biết ‘làm đẹp’, chưa biết kể câu chuyện của mình với khách hàng, đối tác”, vị này chia sẻ thêm.
Thực tế, có sự khác biệt lớn về quan điểm truyền thông, bán hàng giữa doanh nghiệp bất động sản nhà ở và doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. Trong khi nhóm nhà ở coi trọng hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, dự án, thậm chí còn coi đây là hoạt động quan trọng hỗ trợ công tác bán hàng, tạo uy tín cho doanh nghiệp, thì nhóm khu công nghiệp lại khá thụ động, ít có các chương trình truyền thông hay quảng bá dịch vụ, sản phẩm, mà chỉ đơn thuần là “bán” những gì mình có một cách khá âm thầm.
Nhận diện tồn tại
Cần xác định rằng, tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như một phần của kế hoạch PR, marketing cho doanh nghiệp, dự án, không nên đặt kỳ vọng quá cao là sẽ “chốt” được khách hàng, nhà đầu tư ngay.
Với các doanh nghiệp khu công nghiệp, hình thức xúc tiến đầu tư lâu nay thường tập trung vào các nhóm giải pháp như thông qua các chương trình xúc tiến của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; thông qua đơn vị tư vấn và một phần tự xúc tiến (chưa thật phổ biến), cho nên hiệu quả của công tác này nhiều khi khó đo lường, định lượng.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Nam, nhà sáng lập - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến và Hợp tác đầu tư Việt Nam (IPA Vietnam), các hoạt động xúc tiến đầu tư đôi khi còn dàn trải, dẫn đến kết quả chưa như mong đợi.
“Nhiều chương trình xúc tiến còn quá ôm đồm, đa ngành nghề, lĩnh vực mà lại thiếu chuyên sâu, không tập trung. Đây là hạn chế lớn của công tác xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp thời gian qua. Thực tế này dẫn đến tình trạng không ít nhà phát triển khu công nghiệp không còn mặn mà với các chương trình ‘trống giong cờ mở’, thay vào đó là chủ động thực hiện các chương trình nhỏ gọn thông qua các đơn vị tư vấn để rút ngắn con đường tìm kiếm khách hàng”, ông Nam nói.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sen Vàng Group - đơn vị chuyên về tư vấn, xúc tiến đầu tư cho hay, các chương trình xúc tiến đầu tư chỉ là bước khởi đầu, chiếm 1/10 trong quá trình ra quyết định đầu tư, bởi vì để đi đến quyết định lựa chọn điểm thuê, các nhà đầu tư sẽ cần thực hiện nhiều khâu, nhiều bước, tìm hiểu nhiều về thị trường. Để rút ngắn con đường này, các đơn vị khi đi xúc tiến đầu tư cần có sự cải tiến trong hoạt động cốt lõi.
Theo bà Ngọc, điều còn thiếu trong hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp là chính sách dài hạn cho hoạt động này. Hiện tại, hoạt động xúc tiến nhiều khi còn ở “bề rộng”, chưa đi vào “chuyên đề” cho cả hai bên: Bên đi xúc tiến và nhà đầu tư. Do đó, kết quả đọng lại sau các cuộc xúc tiến là không nhiều.
Bàn thêm về câu chuyện truyền thông, bà Ngọc cho rằng, các doanh nghiệp khu công nghiệp còn khá thụ động, phụ thuộc nhiều vào các chương trình có sẵn theo kế hoạch như chương trình xúc tiến của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, mà chưa chủ động đề xuất các chương trình phù hợp, đồng thời thiếu tính liên kết khiến hoạt động xúc tiến còn rời rạc.
“Để có thể bứt phá, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy bán hàng, truyền thông và marketing, nhất là khi xu hướng hiện nay không còn là câu chuyện cạnh tranh về giá. Với các hoạt động xúc tiến đầu tư, tôi thấy các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các thông số cơ bản như nguồn cung và chất lượng lao động, các dịch vụ phụ trợ, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong quá trình xúc tiến đầu tư vẫn chưa đề cao điều này hoặc còn chuẩn bị sơ sài”, bà Ngọc nói, đồng thời chia sẻ thêm, trong câu chuyện xúc tiến đầu tư và truyền thông cho khu công nghiệp, các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi từ nước bạn Trung Quốc.
“Ở phạm vi cấp huyện của nước bạn, ngay khi nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội sẽ được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết, từ lịch sử, văn hoá, quá trình hình thành, phát triển, các lĩnh vực đang tập trung thu hút đầu tư, các chính sách hỗ trợ… Nói tóm lại là đầy đủ các thông tin để nhà đầu tư có cái nhìn từ khái quát đến chuyên sâu cho từng mảng, lĩnh vực. Ngoài ra, công tác truyền thông được Trung Quốc lồng ghép rất khéo léo vào trong các hoạt động xúc tiến hoặc đón nhà đầu tư thông qua ‘công nghệ’ xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp. Từ đó, tạo được sức hấp dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp cả trong việc đầu tư ra bên ngoài hay thu hút đầu tư ngược lại Trung Quốc”, bà Ngọc cho hay.
Còn đại diện một doanh nghiệp khu công nghiệp tại Thái Nguyên thừa nhận, đúng là các chương trình xúc tiến đầu tư hiện tại còn quá rộng, thậm chí mang tính chất giao lưu kết nối là chính. Do đó, cần xác định rằng, tham gia hoạt động này cũng như một phần của kế hoạch PR, marketing cho doanh nghiệp, dự án, không nên đặt kỳ vọng quá cao là sẽ “chốt” được khách hàng, nhà đầu tư ngay.
Theo vị này, đặc thù của các hoạt động xúc tiến đầu tư nhiều khi nằm trong các chương trình giao lưu - hợp tác hay hoạt động thường niên giữa các bên. Do đó, doanh nghiệp nên tiếp cận theo hướng đây là cơ hội để tìm kiếm và có được nền tảng ban đầu cho các hoạt động xúc tiến sau này, bởi để đi đến quyết định đầu tư là cả một quá trình dài.
“Tôi từng tham gia nhiều hoạt động xúc tiến và thấy rằng, có một số điểm nếu chúng ta cải thiện được thì hiệu quả sẽ cao hơn. Chẳng hạn, trong một chương trình xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp, thường thì nhiều bên sẽ thay nhau tham gia thuyết trình và khiến việc này trở nên bão hoà. Do đó, các doanh nghiệp phải tìm cách để qua đó tạo được điểm nhấn, ấn tượng cho doanh nghiệp, dự án của mình. Hay rộng hơn, với một chương trình xúc tiến của một tỉnh, thay vì chỉ tập trung giới thiệu về tỉnh, về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh mình, đơn vị xúc tiến phải mở ra một bức tranh rộng hơn của cả vùng, cả nước, sau đó bằng các điểm nổi bật mới thuyết phục nhà đầu tư để họ hiểu tại sao nên lựa chọn tỉnh mình là điểm đến. Làm được như vậy sẽ thuyết phục hơn nhiều, thay vì chỉ cho họ thấy một phần của bức tranh thu hút đầu tư”, vị này phân tích.
Xem thêm: lmth.942233tsop-ped-mal-yaoh-yaol-nav-peihgn-gnoc-uhk/nv.naohkgnuhchnahnnit.www