Đáng nói, hậu quả của thẩm mỹ "chui" xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, thậm chí đến tính mạng. Thế nhưng, những người đang hành nghề thẩm mỹ "chui" không những không biết sợ mà hoạt động biến tướng ngày càng tinh vi.
Mới nhất, ngày 27.6, giới thẩm mỹ rúng động khi người phụ nữ 27 tuổi đặt hẹn với một chủ spa tận Cà Mau đến khách sạn ở Q.10, TP.HCM để tiêm filler nâng ngực. Hậu quả, người phụ nữ đã tử vong ngay sau tiêm thuốc tê. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt...
BA NHÓM CƠ SỞ THẨM MỸ
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện TP.HCM có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở). 85% cơ sở còn lại là do UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo luật định, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép (2.175 cơ sở spa và chăm sóc da; 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da; 3.798 cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng...).
Ông Thượng cho hay cơ sở cung ứng các dịch vụ thẩm mỹ được chia thành 3 nhóm khác nhau. Nhóm 1 là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Những cơ sở chăm sóc sắc đẹp này được phép hoạt động không cần điều kiện quy định về y tế, do đó, theo quy định chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở KH-ĐT cấp (đăng ký kinh doanh công ty), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý rằng những cơ sở chăm sóc sắc đẹp này hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì. Đây là nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế. Nhưng thực tế, Thanh tra Sở đã từng phát hiện và xử lý những cơ sở chăm sóc da thuộc nhóm này nhưng lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ… với thuốc gây tê.
Nhóm 2 là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở KH-ĐT cấp (đăng ký kinh doanh công ty). Để hoạt động hợp pháp, điều kiện bắt buộc là người thực hiện kỹ thuật phun, xăm, thêu phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Các cơ sở phun, xăm, thêu trên da phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Người dân cần lưu ý rằng theo quy định pháp luật thì các cơ sở phun, xăm, thêu trên da không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Nhưng thực tế, Thanh tra Sở cũng từng phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở làm đẹp thuộc nhóm này đã lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhóm 3 là những cơ sở khám chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp hoặc do Sở KH-ĐT cấp, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật. Các cơ sở này có thể là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ. Hầu hết, các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở theo loại hình này đều có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý rằng tất cả kỹ thuật can thiệp phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế thẩm định và phê duyệt danh mục kỹ thuật. Các kỹ thuật sử dụng ngoài danh mục cho phép đều trái quy định pháp luật.
PGS-TS Lê Hành, Chủ tịch Hội Thẩm mỹ VN, cho biết thêm năm 2016, Hội Thẩm mỹ VN cùng Bộ Y tế thành lập danh mục khoa học kỹ thuật để quản lý hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, đưa ra danh sách thủ thuật và phẫu thuật thẩm mỹ, đồng thời phân loại rất rõ cái nào là phẫu thuật xâm lấn, cái nào là thủ thuật ít xâm lấn và cái nào không xâm lấn. Theo đó, bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được phép làm phẫu thuật xâm lấn, bác sĩ da liễu làm thủ thuật, phẫu thuật ít xâm lấn. Còn nhóm spa, chăm sóc sắc đẹp chỉ làm những thủ thuật ngoài da. "Phun, xăm, thêu cũng thuộc loại hình spa, nhưng spa thì không được làm xâm lấn. Nhưng hiện nay, do phun, xăm, thêu quá phổ biến và bác sĩ không thể làm hết được, nên nhà nước cho làm trên da nhưng người làm phải được đào tạo về vô trùng, một số thủ thuật y khoa và được cấp chứng chỉ", PGS-TS Lê Hành nói.
THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Liên quan đến các cơ sở thẩm mỹ, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho rằng Sở Y tế xác định có 3 thách thức chính đối với công tác quản lý nhà nước. Thứ nhất là quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động. Từ đó dễ gây cho người dân hiểu nhầm và sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ chưa được thẩm định đủ điều kiện về đảm bảo an toàn trong y khoa. Thứ 2, hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức, trong đó hơn 85% là do UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong khi số lượng cơ sở có xu hướng ngày càng tăng. Thứ 3, hoạt động thẩm mỹ "chui" ngày càng tinh vi để né tránh các cơ quan quản lý nhà nước. Điều đáng lo ngại khi hoạt động thẩm mỹ "chui" đang có xu hướng chuyển vào khách sạn, nhà trọ để né tránh. Việc này đã gây ra những tai biến, thậm chí gây tử vong cho người dân.
Bên cạnh đó, khó khăn không nhỏ cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước khi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp. Hiện tượng phổ biến đó là hầu hết biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên "thẩm mỹ viện…" hay "viện thẩm mỹ…". Thực tế, qua thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp nhóm 1 và nhóm 2, Sở Y tế đã phát hiện và xử lý nghiêm một số cơ sở sử dụng thuốc tê dạng tiêm, và cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.
THẨM MỸ "CHUI" BẤT CHẤP PHÁP LUẬT
Tại hội nghị khoa học quốc tế về phẫu thuật thẩm mỹ và thẩm mỹ nội khoa diễn ra ngày 15.7, PGS-TS Lê Hành nhận định: Thẩm mỹ "chui" không chỉ xảy ra ở VN mà còn ở các nước khác như Thái Lan, Philippines. Đây là thực trạng xấu kéo dài dai dẳng gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến hoạt động ngành thẩm mỹ. Những tai biến do nhóm thẩm mỹ "chui" gây ra thì được quy trách nhiệm cho ngành thẩm mỹ, khi vẫn có người bỏ ngoài tất cả những quy định pháp luật, đạo đức chỉ để kiếm tiền.
PGS-TS Lê Hành cho rằng có 3 vấn đề liên quan đến thẩm mỹ "chui" mà bản thân Hội thẩm mỹ không quản lý, kiểm soát được. Thứ nhất, do bản thân bệnh nhân thiếu hiểu biết, chọn khách sạn, spa để làm nơi phẫu thuật thẩm mỹ, trong khi TP.HCM có rất nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng mà không chọn. Thứ hai, người thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ "chui" chủ yếu gạ gẫm khách hàng để họ sử dụng dịch vụ ở cơ sở trái phép. Họ chỉ biết tiền mà không cần biết gì, họ không biết nguy cơ những thủ thuật mình làm. Đôi khi có thể họ có biết nguy cơ của thủ thuật nhưng chính vì sự thúc đẩy của đồng tiền nên họ vẫn làm. Thứ ba, làm sai quy định là lỗi không thể cứu chữa.
Tăng cường hậu kiểm, truy trách nhiệm cụ thể
Nói đến giải pháp chấn chỉnh thẩm mỹ "chui", TS-BS Lê Nguyễn Diên Minh, Khoa Bỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, đặt vấn đề về phân cấp quản lý lĩnh vực làm đẹp cần rõ ràng. Ví dụ loại hình không xâm lấn như spa, thẩm mỹ viện, phun, xăm, thêu thì đơn vị cấp phép hay chính quyền cấp dưới quản lý? Cần ghi rõ trong giấy phép cơ sở được làm gì và không được làm gì? Nếu tại các cơ sở này làm phẫu thuật thẩm mỹ "chui" xảy ra tai biến thì ai chịu trách nhiệm?
"Đầu tiên người làm sai, người gây ra tai biến phải chịu trách nhiệm, nhưng người cấp phép có chịu trách nhiệm hay không? Có quản lý được hay không mà cấp phép? Về phía cơ quan chuyên môn là ngành y tế phụ trách quản lý về phẫu thuật thẩm mỹ. Cũng cần có chế tài mạnh mẽ bác sĩ "mổ dạo" ở những cơ sở trái phép như spa, thẩm mỹ viện…", TS-BS Diên Minh nói. "Hiện hệ thống quảng cáo thẩm mỹ khá "khủng khiếp" nên người dân rất dễ bị lừa gạt và cũng khó kiểm soát. Điều này chính quyền cần quản lý, vì chính quảng cáo đã đưa người dân tìm đến thẩm mỹ "chui", TS-BS Diên Minh phân tích.
Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Hành kiến nghị cần có biện pháp xử lý phù hợp, xứng đáng với hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác. "Phải xử lý đủ nặng để có tính răn đe những người khác", PGS-TS Lê Hành đề nghị và khuyến cáo: Hãy khởi nghiệp theo đúng tài năng và pháp luật thì sẽ bền vững chứ không phải học "sơ sơ" rồi nhào vào làm kiếm tiền, vừa không bền vững, vừa làm rối loạn trật tự xã hội.
"Đối với hoạt động thẩm mỹ "chui", đã đến lúc cần phải có thêm những giải pháp quyết liệt hơn với sự phối hợp chặt chẽ hơn và đồng bộ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Thanh tra Sở Y tế và phòng y tế các quận, huyện tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định", PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
PGS-TS Tăng Chí Thượng đã đưa ra các biện pháp quản lý các cơ sở thẩm mỹ của ngành, đó là kiểm tra, đánh giá chất lượng thường xuyên các cơ sở do Sở Y tế cấp phép. Đối với các cơ sở do UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giám đốc Sở Y tế cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm. Kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở hành nghề ngoài phạm vi cho phép. Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở KH-CN, Sở TT-TT và các sở liên quan nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ để nhận diện, phân loại và sàng lọc các nội dung quảng cáo liên quan đến hoạt động thẩm mỹ chưa được cấp phép...