vĐồng tin tức tài chính 365

Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương

2023-07-16 16:01
Tác giả Trịnh Lữ ký tặng sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương (Omega Plus và NXB Mỹ Thuật phát hành) cho độc giả - Ảnh: T.ĐIỂU

Tác giả Trịnh Lữ ký tặng sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương (Omega Plus và NXB Mỹ Thuật phát hành) cho độc giả - Ảnh: T.ĐIỂU

Tác giả Trịnh Lữ trong nỗ lực gìn giữ di sản của cha mình đã làm cuốn sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương trong sự khích lệ và trợ giúp chí tình của nhiều người. 

Trịnh Lữ đã thành công khi dựng lại chân dung cha mình, một nghệ sĩ tài hoa, một số phận thăng trầm, đồng thời cũng cho thấy một phần chân dung lịch sử đất nước thế kỷ 20 nhiều biến động.

"Monet của Việt Nam" và những di vật quốc gia

Theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 9, Trịnh Hữu Ngọc (1912 - 1997) không phải con nhà giàu như các bạn đồng môn. 

Ông là một trong vài sinh viên được nhận học bổng, sớm khẳng định tài năng bằng các giải thưởng về hội họa lẫn thiết kế nội thất ở những triển lãm sinh viên.

Cuốn sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương (Omega Plus và NXB Mỹ Thuật phát hành) - Ảnh: T.ĐIỂU

Cuốn sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương (Omega Plus và NXB Mỹ Thuật phát hành) - Ảnh: T.ĐIỂU

Tốt nghiệp, song song với việc vẽ, ông mở xưởng thiết kế nội thất "để xây dựng một nếp sống" đúng như tinh thần cải tạo xã hội của nhóm Hướng Đạo Sinh mà ông tham gia cùng các bạn, các anh em mình từ năm 1939 như Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Nguyễn Huy Tưởng... 

Với xưởng nội thất MÉMO rất thành công, ông Ngọc được xem là người "sáng lập trường phái thiết kế nội thất ở Việt Nam" như nhận định của KTS Trần Thanh Bình - con trai cố nghệ sĩ piano Thái Thị Liên, một trong những người có nhiều thâm tình với gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Từ công việc thiết kế nội thất, Trịnh Hữu Ngọc đóng tên mình vào lịch sử đất nước khi là người thiết kế những đồ gỗ đã trở thành hiện vật lịch sử quốc gia. 

Ông chính là người làm toàn bộ nội thất gỗ nhà 48 Hàng Ngang cho ông Trịnh Văn Bô, vừa lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về đó ở và viết bản Tuyên ngôn độc lập. 

Chiếc bàn lịch sử nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn, tủ đựng tài liệu, bàn đánh máy chữ, bàn ăn, bàn hội họp, tủ hồ sơ phòng họp... nay đều đã thành di vật lịch sử quốc gia. 

Ngoài ra, theo đề nghị của ông Nguyễn Hữu Đang và Ngô Huy Quỳnh, ông Ngọc đã đóng góp gỗ, thợ của xưởng MÉMO để dựng lễ đài tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc 

Hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc

Từ năm 1962 cho tới khi Bác Hồ qua đời năm 1969, Phủ Chủ tịch năm nào cũng chọn mua tranh phong cảnh của Trịnh Hữu Ngọc. 

"Ông cụ (Bác Hồ - PV) bảo anh (họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc) là Monet của Việt Nam và rất thích tặng tranh của anh cho mấy người khách mà Cụ biết là có gu hội họa", ông Vũ Đình Huỳnh - lúc bấy giờ là vụ trưởng Lễ tân Bộ Ngoại giao, từng là thư ký riêng của Bác Hồ - nói với họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. 

Ông Ngọc cũng được tin quý giao thiết kế nội thất chuyên cơ AN24 của Bác và văn phòng Phủ thủ tướng. 

Ông cũng là người làm nội thất khu vực nhà chờ và đón khách của sân bay Gia Lâm, làm nội thất mới cho phòng khánh tiết và văn phòng thị trưởng tại Ủy ban Hành chính Hà Nội.

Một họa sĩ từng bị liệt vào danh sách tư sản, quyết không tản cư sau 1954, dù chịu vất vả như nhiều người khác lúc bấy giờ, nhưng vẫn được tin dùng như vậy, thì ngoài tài năng thấy rõ, Trịnh Hữu Ngọc còn được nể trọng bởi nhân cách, đạo đức. 

Trong sách, Trịnh Lữ kể rất nhiều ân tình cha ông đã dành cho đời và ông cũng nhận về rất nhiều yêu thương, đùm bọc từ những người bạn như Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Huy Tưởng...

Hội họa Trịnh Hữu Ngọc là sự thầm kín đức độ, không thay đổi suốt đời nghệ sĩ. Nó tránh sự đặt điều, bon chen hình sắc và những thói xấu thị phi. Dường như ông chỉ vẽ những gì mà trong đó ẩn náu phần ngầm của tâm ý mình.
Nhà phê bình Thái Bá Vân

"Cụ Hồ là người chấp nhận tôi là họa sĩ"

Từ 1968 cho tới gần cuối đời, Trịnh Hữu Ngọc đã chọn sống như một ẩn sĩ ở làng Quảng Khánh. 

"Ông đã rũ bỏ những cái ngổn ngang của xã hội đương thời tìm cho mình một góc khuất yên lặng ngồi vẽ những bức tranh thiên nhiên đẹp, lành như chính tâm hồn ông, tạo ra một thứ mỹ cảm mới cho hội họa Việt Nam", chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nói tại buổi ra mắt sách.

Đời ông, giống như họa sĩ tài năng cùng thời Bùi Xuân Phái, chỉ có triển lãm duy nhất ở trong nước vào năm 1988, khi văn nghệ đang nồng nhiệt khí thế đổi mới của Đảng. 

Trong triển lãm ấy, người ta thấy ngoài những bức tranh đẹp và khác với đương thời, Trịnh Hữu Ngọc còn cho đặt chiếc kỷ còn lại của nhà MÉMO. 

Trên đó bày một bức tượng đồng Victor Tardieu, một bức ảnh chân dung họa sĩ Nam Sơn - hai người thầy lớn đồng sáng lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - nơi ông Ngọc từng theo học. Và trên cùng là ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Tôi thành họa sĩ là nhờ hai thầy Tardieu và Nam Sơn, còn Cụ Hồ là người chấp nhận tôi là họa sĩ...", ông Ngọc trả lời báo chí lúc bấy giờ. Và ngay trong lúc khai mạc triển lãm, người họa sĩ lớn tuổi bao năm học thiền cũng bật khóc.

Phải khiêm tốn học hỏi nhân dân

Dù từng là "tư sản", nhưng Trịnh Hữu Ngọc một lòng kính trọng nhân dân cần lao và luôn nhắc học trò của mình điều đó.

Trong các bức thư gửi học trò trong ba năm dạy thiết kế gỗ và trang trí nội thất tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp, ông Ngọc thường nhắc nhở học trò của mình phải khiêm tốn học hỏi nhân dân, phải có "thái độ hiếu hạnh ngoan lành với nhân dân".

Trong một bức thư, ông viết: "Em cần kiểm điểm thái độ của em khi nghĩ đến bà con công nông. Em và "họ" có vẻ còn cách biệt xa trùng lắm.

Nếu từ ông cấp cao đi ô tô đến cậu sinh viên như em, ai cũng quên rằng xăng để chạy xe, nhà bốn tầng để ngồi ăn học, đều do bà mẹ nông dân "chổng mông chổng khu" hai sương một nắng cung cấp cho cả, thì chẳng mấy chốc mà quan cách mạng vẫn ăn trên ngồi trốc, "dân ngu khu đen" vẫn đói khổ lầm than".

Bức Tiếp quản thủ đô năm 2011 khi gia đình vừa lấy lại được để phục chế

Bức Tiếp quản thủ đô năm 2011 khi gia đình vừa lấy lại được để phục chế

Số phận bức tranh "song sinh" Lê Phổ - Trịnh Hữu Ngọc

Đó là tác phẩm sơn khắc Tiếp quản thủ đô do họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc vẽ năm 1964. Ông Trịnh Lữ kể tác phẩm này là bức bình phong bốn tấm, được lấy từ năm tấm bình phong họa sĩ Lê Phổ vẽ dở dang, để lại cho Nguyễn Gia Trí.

Năm 1954, trước khi vào Nam, họa sĩ Nguyễn Gia Trí giao lại cho ông Ngọc những tấm bình phong này. Giữ mãi trong nhà, tới tận năm 1964, ông Ngọc quyết định mang ra vẽ.

Ông tất nhiên không vẽ đè lên bức tranh dang dở Phong cảnh Bắc Kỳ của bạn, mà chọn cách phủ son lên mặt sau của bộ sơn mài để vẽ. Vậy là bức sơn mài của Lê Phổ "song sinh" với bức tranh sơn khắc của Trịnh Hữu Ngọc.

Trên tấm bình phong ấy, ông Ngọc vẽ cảnh nhân dân thủ đô ra đón chào bộ đội Cụ Hồ được lồng trong một khung hoa cúc trang trí những hình ảnh lịch sử của đất nước từ Cách mạng Tháng Tám đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Trần Duy Hưng từng mượn tranh này treo trong phòng khánh tiết Ủy ban Hành chính Hà Nội. Nhưng năm 1985, UBND TP Hà Nội xây trụ sở mới, người ta chuyển bức tranh xuống kho và quên lãng suốt 26 năm ẩm ướt.

Khi gia đình ông Ngọc lấy lại được bức tranh vào năm 2011 thì nó đã hư hỏng nhiều. Không đủ điều kiện để phục chế, gia đình ông Ngọc đã trao bức tranh cho một nhà sưu tập với lời hứa hẹn bức tranh sẽ được các chuyên gia Nhật Bản phục chế kỹ lưỡng. Nhưng sau đó không còn nghe tin tức gì nữa.

Kêu cứu cho 3 phù điêu quý còn sót lại của Trường Mỹ thuật Đông DươngKêu cứu cho 3 phù điêu quý còn sót lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương

TTO - Giới mỹ thuật lại một lần nữa kêu cứu cho mấy bức phù điêu quý nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của Trường ĐH Mỹ thuật VN - tòa nhà duy nhất còn sót lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Xem thêm: mth.70033149061703202-gnoud-gnod-tauht-ym-auc-teib-cad-nas-id/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools