* Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 TẠI ĐÂY (từ 8h ngày 18-7)
Việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nhằm giúp thí sinh cân nhắc lựa chọn đúng ngành học phù hợp với sở thích và tăng cơ hội trúng tuyển. Thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT ra sao, cần lưu ý gì trong việc này?
Cẩn thận kẻo đã trúng tuyển sớm vẫn... trượt
Bộ GD-ĐT quy định sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, tất cả thí sinh (gồm thí sinh tự do) phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT (http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/) hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), lưu ý: "Giai đoạn xét tuyển sớm đã kết thúc, thí sinh cần tiếp tục thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển (gồm các ngành đã đạt điểm trúng tuyển sớm và cả các ngành đăng ký xét điểm thi THPT nếu có) trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng. Đây là quy định bắt buộc đối với tất cả thí sinh. Năm nay thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần từ ngày 10-7 đến 17h ngày 30-7".
Thí sinh phải sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện ĐKXT theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của bộ. Thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT, trung cấp) chưa có tài khoản ĐKXT, cần sớm liên hệ sở GD-ĐT nơi mình thường trú để được cấp tài khoản sử dụng cho việc ĐKXT trên hệ thống đến ngày 20-7.
"Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh ĐKXT vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Thí sinh cần hết sức lưu ý để tránh trường hợp đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn rớt do thực hiện sai quy định", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, với quy trình ĐKXT năm nay, trong thời hạn quy định, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng trên hệ thống đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.
Trong quá trình đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình. Nếu bỏ dở hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh.
"Chiến thuật" để tăng cơ hội trúng tuyển
ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính - Marketing, cho hay năm nay thí sinh vẫn được đăng ký vô số nguyện vọng nhưng các em không nên đăng ký quá nhiều.
"Thực tế năm trước, nhiều thí sinh đăng ký ngành, trường dễ trúng tuyển lên trên, những trường khó xuống dưới. Khi xét tuyển nếu trúng tuyển vào ngành nào thì sẽ không được tiếp tục xét tuyển các nguyện vọng sau. Do vậy khi ĐKXT, thí sinh nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng những ngành, trường mình mong muốn trúng tuyển nhất lên trên", ông Châu tư vấn.
Trong khi đó, ThS Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), khuyên thí sinh nếu đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào ngành, trường mình mong muốn chỉ cần đăng ký nguyện vọng 1 ngành, trường đó lên hệ thống thì chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Nếu vẫn muốn tiếp tục ĐKXT bằng điểm thi THPT, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường ở phương thức này (chỉ tiêu, điểm sàn...) và đồng thời tham khảo điểm chuẩn các năm trước để có sự lựa chọn phù hợp.
"Hiện tại tất cả nguyện vọng trúng tuyển sớm đã được trường nhập lên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Trường hợp thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm nhưng vẫn muốn ĐKXT bằng điểm thi THPT thì phải đặt các nguyện vọng này lên trên. Đồng thời phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng đã trúng tuyển sớm theo ưu tiên từ cao xuống thấp để đảm bảo được trúng tuyển theo lựa chọn ngành yêu thích", ông Tiến lưu ý.
Không cần chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết năm nay Bộ GD-ĐT đã cải tiến phần mềm hỗ trợ thí sinh để tránh sự nhầm lẫn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khi đăng ký xét tuyển.
Thí sinh chỉ cần đăng ký theo mã tuyển sinh (mã nhóm ngành, ngành hoặc chương trình) và không phải chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển.
Thí sinh lựa chọn căn cứ để xét tuyển gồm thứ tự nguyện vọng; mã trường, tên trường; mã tuyển sinh muốn đăng ký xét tuyển (không đăng ký chi tiết đến các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển).
* PGS.TS Vũ Thị Hiền (trưởng phòng đào tạo Trường đại học Ngoại thương): Nên xác định nhóm vừa sức và nhóm ước mơ
Ngay sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, việc các em nên làm là xây dựng một danh mục các nguyện vọng xét tuyển, sắp xếp theo thứ tự và đăng ký lên hệ thống theo đúng hướng dẫn.
Danh mục nguyện vọng này sẽ bao gồm cả các nguyện vọng đã được các cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm.
Để xây dựng danh mục nguyện vọng, các em cần căn cứ vào nhiều yếu tố: sở thích của bản thân, phù hợp với năng lực, tố chất và điều kiện về tài chính, môi trường đào tạo, nhu cầu nhân lực trong tương lai.
Trên website của các cơ sở đào tạo lúc này đều đăng tải các thông tin cần thiết để thí sinh tham khảo, thậm chí cả các thông tin về chế độ ưu đãi, học bổng, mức học phí...
Sau khi cân nhắc các yếu tố, thí sinh nên chia nhóm nguyện vọng, gồm nhóm ngành mơ ước (là những ngành, trường mà thí sinh mong muốn được vào học nhất, thấy phù hợp nhất) và nhóm vừa sức (là những ngành, trường thí sinh thấy phù hợp và có khả năng cao là đậu).
Ngoài ra, các em có thể đăng ký vào những ngành, trường tuy không thật thích nhưng chắc chắn đạt điều kiện đỗ. Sau khi đã xây dựng danh mục trên căn cứ từ nhiều yếu tố, thí sinh sắp xếp thứ tự các nguyện vọng chỉ dựa trên một nguyên tắc duy nhất: sự yêu thích. Có nghĩa ngành nào thích nhất xếp đầu tiên, sau đó giảm dần dựa theo sở thích.
* PGS.TS Nguyễn Phong Điền (phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội): Việc đăng ký sẽ đơn giản hơn nhiều
Năm nay khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ không phải đăng ký cụ thể phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển mà chỉ đăng ký ngành, trường có nguyện vọng. Vì thế, việc đăng ký năm nay sẽ đơn giản hơn nhiều so với năm trước.
Trong trường hợp thí sinh đã có kết quả trúng tuyển sớm và đó cũng là ngành mà các em thấy phù hợp, yêu thích, mong muốn học nhất thì các em có thể chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng đó trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT.
Về nhập học, một số cơ sở đào tạo năm nay có thể yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học và làm thủ tục nhập học luôn. Vì thế, thời điểm này các em cần theo dõi thường xuyên những thông báo của trường mình đã trúng tuyển để đáp ứng các yêu cầu, tránh để trôi thời hạn ảnh hưởng đến việc nhập học.
Bộ "quên khóa cửa", thí sinh biết điểm sớm
Khoảng 15h ngày 15-7, mạng xã hội lan truyền thông tin đã có nhiều thí sinh xem được điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Ngay sau đó, nhiều thí sinh ở một số tỉnh thành đăng nhập tài khoản trên hệ thống của Bộ GD-ĐT thì bất ngờ thấy đã có đủ thông tin điểm của tất cả các môn thi.
Liên quan đến việc này, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định: "Hiện tại bộ chưa công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Điểm thi vẫn được công bố theo đúng kế hoạch ban đầu là 8h sáng 18-7".
Trong khi đó, theo các chuyên gia, việc nhiều thí sinh tra cứu và đã biết được điểm thi THPT là do "sự cố nào đó ngoài ý muốn". Có thể khi các địa phương nhập dữ liệu điểm thi lên hệ thống của Bộ GD-ĐT nhưng "quên khóa cửa", trong khi thí sinh vô tình đăng nhập hệ thống nên đã biết được điểm. Ngay sau khi nhận được thông tin này, Bộ GD-ĐT đã khóa hệ thống. Do vậy, thí sinh không còn tra cứu được nữa.
Từ 8h ngày 18-7, thí sinh cả nước có thể tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 trên trang của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc trên Tuổi Trẻ Online.