Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), số lượng trẻ đến khám vì mắc tật khúc xạ trong thời gian gần đây gia tăng. Lý do chính là phụ huynh tranh thủ đưa trẻ đi khám trong dịp nghỉ hè này.
Con cận 5-6 điốp, phụ huynh không biết
Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chuyên khoa mắt Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết qua thăm khám, thấy mắt của một số trẻ cận nặng, trong đó có trẻ đã cận 5-6 điốp nhưng phụ huynh không biết.
Tuy nhiên, dù các bác sĩ đã chẩn đoán trẻ bị cận thị nhưng phụ huynh cho rằng trẻ chỉ nhức mỏi mắt vì những ngày nghỉ hè coi tivi, dùng điện thoại nhiều hơn nên mong muốn bác sĩ kê toa thuốc về cho con uống.
Khi kết luận trẻ cận thì phải cho trẻ đeo kính gọng. Với trẻ quá nhỏ (dưới 2 tuổi) sẽ được theo dõi. Nhưng nếu trẻ ở độ tuổi này mắc tật khúc xạ nặng, buộc trẻ cũng mang gọng kính vì nếu không trẻ sẽ bị nhược thị, lác…
Bác sĩ Tuyết cho biết tật khúc xạ gồm các tật cận thị, viễn thị và loạn thị. Đây là vấn đề sức khỏe đã và đang được quan tâm trên toàn thế giới. Chương trình "Thị giác năm 2020" đã xếp tật khúc xạ là một trong năm nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực có thể phòng chống được.
Ở Việt Nam, tật khúc xạ là một trong những trọng tâm được ưu tiên trong chương trình phòng chống mù lòa quốc gia.
Theo kết quả khám sức khỏe năm học 2021-2022 trong lớp 4 của một trường tiểu học có tên tuổi ở quận 1 (TP.HCM), một lớp sĩ số 30 học sinh thì có 21 em có tật khúc xạ ở mắt (chủ yếu là cận thị).
Ngoài giảm thị lực, tật khúc xạ có thể gây ra nhiều biến chứng như: nhược thị, lác, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc… và nặng nhất có thể dẫn tới mù lòa.
Đau đầu, nhức mắt... là mắt bị rối loạn điều tiết
Bác sĩ Tuyết khuyến cáo, nếu trẻ có một trong số những biểu hiện như: thường xuyên nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn, không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai chữ hoặc ngồi học sát với mép vở... thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám.
Ngoài ra, việc điều tiết của mắt trẻ bị rối loạn thường dẫn đến tình trạng đau đầu, nhức mắt, chảy nước mắt… Vì thế, phụ huynh nên thường xuyên để ý đến các biểu hiện của con trẻ để kịp thời đưa trẻ đi khám, tránh các bệnh về tật khúc xạ sau này.
Thay đổi thói quen hằng ngày là cách khắc phục tật khúc xạ bởi một nguyên nhân phổ biến gây bệnh là thói quen làm việc và học tập không khoa học khiến mắt phải làm việc quá sức.
Để mắt trẻ tránh xa các thiết bị điện tử, điện thoại. Khi học tập, làm việc cần đảm bảo đủ ánh sáng, ngồi đúng tư thế. Cung cấp đầy đủ các dưỡng chất giúp bảo vệ mắt như vitamin A, omega 3, vitamin C, canxi…
Bệnh cạnh đó cần cho trẻ thực hiện các bài tập mắt đơn giản sẽ cải thiện sức khỏe thị lực: nhắm mắt thư giãn, đảo mắt, nhìn tập trung, nhìn xa...
Để chữa tật khúc xạ, đeo kính là cách phổ biến nhất, tuy nhiên việc này không điều trị dứt điểm mà chỉ dùng được trong một thời gian nhất định và phải thay kính mới khi độ cận thị tăng lên.
Để phòng tránh trẻ không mắc tật khúc xạ, bác sĩ Tuyết hướng dẫn phụ huynh cho trẻ đọc sách, làm việc bằng mắt, với khoảng cách thích hợp và tốt nhất từ mắt đến sách đọc khoảng 30 - 40cm.
Áp dụng quy tắc 20-20-20: Đọc sách 20 phút lại cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn xa 20 feets (tương đương 6m). Đảm bảo đủ ánh sáng khi ngồi học. Cần hướng dẫn trẻ ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát xuống bàn khi học.
Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều… để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.
Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, không xem tivi quá 2 tiếng mỗi ngày với khoảng cách khi ngồi xem tivi hợp lý.
Đây là dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỉ lệ trẻ em sẽ bị cận thị ở châu Á, trong đó có Việt Nam, vào năm 2050.