Tại hội thảo về chính sách giá điện ngày 18/7, PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Cao đẳng Điện lực miền Bắc, cho rằng việc điều chỉnh vừa qua không diễn ra theo định kỳ hay tuân thủ quy định tại Quyết định 24/2017. Trước các biến động mạnh của thị trường năng lượng thế giới, việc kiềm chế, không điều chỉnh quá lâu sẽ dẫn tới giá điện không phản ánh theo đúng tín hiệu của thị trường.
Giá bán lẻ điện được xem xét điều chỉnh theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân. Gần nhất, điện được tăng giá 3% từ đầu tháng 5/2023, sau 4 năm kìm giữ.
Số liệu của EVN cho thấy, năm 2022, tập đoàn này ghi nhận lỗ từ sản xuất, kinh doanh điện là hơn 36.200 tỷ đồng, tức mỗi kWh điện bán cho khách hàng năm 2022, tập đoàn này lỗ hơn 149,5 đồng một kWh. Nhờ có thu nhập từ các hoạt động khác, tiết giảm chi phí (khoảng 10.000 tỷ đồng), số lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN hơn 26.200 tỷ đồng.
"Như vậy, EVN không có khả năng tái đầu tư mở rộng hệ thống điện, thanh toán cho các đơn vị bán điện, dẫn tới nguy cơ an ninh trong cung cấp điện không được đảm bảo", ông Hồi nói.
Theo thống kê, giai đoạn 2009-2012 khi khâu phát điện chưa tổ chức theo mô hình cạnh tranh, các lần điều chỉnh giá được thực hiện đều đặn, có năm điều chỉnh hai lần. Từ 2013 đến nay, khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành, tức là tính chất thị trường trong giao dịch ở phần nguồn điện tăng lên, nhưng tần suất điều chỉnh giá lại ít hơn, theo ông Bùi Xuân Hồi, không còn theo các tín hiệu của thị trường.
Ông phân tích, năm 2022 nguồn điện chịu các chi phí nhiên liệu đầu vào tăng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine, tín hiệu thị trường này đã không phản ánh trong giá bán lẻ, khi giá bán lẻ điện bình quân chỉ tăng 3% vào đầu tháng 5/2023.
Do đó, các chuyên gia góp ý, cơ quan quản lý cần tính toán và đưa giá điện theo thị trường hơn. Mặt khác, cần bổ sung thành phần về chi phí công suất. Bởi, khi có thêm nguồn điện mới như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) tích hợp vào hệ thống, chi phí tính toán trên mỗi kWh không còn phù hợp.
"Cần cơ chế điều chỉnh giá để mang tín hiệu thị trường, khi đó mới nghĩ tới thị trường bán lẻ cạnh tranh", ông Hồi nhận xét.
Ở khía cạnh này, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý. Cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần.
"Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện; chưa dự báo tốt và tính toán đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng khu vực và thế giới", Phó chủ tịch nêu.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trong đó có thị trường điện còn chậm, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng điện.
Những hạn chế này, theo Phó chủ tịch Quốc hội, cần có cách làm mới, giải pháp đột phá tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng điện vẫn là mặt hàng cần nhà nước điều tiết, dù Việt Nam hình thành thị trường bán lẻ điện hay không.
"Câu chuyện giá gắn chặt với quản lý của ngành điện. Giá điện phải tối ưu nhất, minh bạch dù Nhà nước hay tư nhân làm", Thứ trưởng An nêu quan điểm.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng cần có những động thái mạnh mẽ tái cấu trúc ngành điện Việt Nam.
Quá trình này gồm lộ trình phát triển thị trường điện, đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thành một đơn vị độc lập khỏi EVN để việc vận hành thị trường điện công khai, bình đẳng giữa các bên tham gia. Việc này, theo ông, có thể kiểm soát tốt chi phí cung ứng điện thông qua quy trình chào giá cạnh tranh trên thị trường điện.
Trong ngắn hạn, ông Sơn cho rằng, cần sớm hoàn thiện các khung pháp lý cho việc vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cũng như sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) nhằm thúc đẩy các nhà máy điện tái tạo tham gia, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư và sử dụng điện sạch, phát triển bền vững.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhìn nhận, điện là ngành kinh tế trọng yếu nên cần quản lý chặt. Tái cơ cấu quản trị ngành điện, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí để tối ưu chi phí sản xuất kinh doanh không chỉ là trách nhiệm của EVN, mà tất cả doanh nghiệp tham gia vào ngành điện.
Ông cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ rà soát, sửa đổi Luật Điện lực, trong đó luật hóa điều hành giá điện, thị trường điện. Bộ Công Thương cũng đề xuất xây dựng Luật Năng lượng tái tạo và sửa đổi, bổ sung Luật tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Anh Minh