Ngày 19-7, Viện Pháp tại Việt Nam và Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển Pháp giới thiệu triển lãm tư liệu "Nhựa: ô nhiễm và giải pháp". Câu chuyện xung quanh việc ô nhiễm nhựa.
Ô nhiễm nhựa khắp nơi
Triển lãm dự kiến sẽ diễn ra trong hai tháng (kết thúc ngày 18-9). Các tác phẩm trưng bày đặt tại Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi (tầng 3, số 10 Lý Tự Trọng, Đà Lạt).
Bộ tư liệu gồm 18 tấm pano tư liệu song ngữ Pháp - Việt. Nhóm tổ chức tư liệu đã thực hiện cuộc hành trình từ Hà Nội tới Huế rồi dừng chân tại Đà Lạt, để kể cho công chúng Đà Lạt về đời sống của nhựa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ trong đời sống thường nhật cho đến khi được phát tán trong môi trường đất và nước.
Dù đề cập đến thực trạng ở Việt Nam nhưng đây là câu chuyện chung, không giới hạn ở một quốc gia hay một lãnh thổ nhất định.
Triển lãm "Nhựa: ô nhiễm và giải pháp" sẽ giúp người xem hiểu, cảm nhận được những thách thức mang tính địa phương và toàn cầu liên quan đến nhựa, một chất liệu phổ biến nhưng hậu quả đối với môi trường mà nó đem đến ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Thông qua các tư liệu ảnh và biểu đồ kèm lời bình do Viện Nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) thực hiện, triển lãm gửi đến người xem hồi chuông cảnh báo rằng tất cả chúng ta đều có một phần trách nhiệm và có khả năng đưa ra các giải pháp liên quan đến nhựa.
Tại Việt Nam, để đối mặt với thực trạng khủng hoảng rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) nhằm điều chỉnh "sự sống hoang dã của nhựa", giảm thiểu rác thải và tối ưu hóa chuỗi thu gom, xử lý rác.
TTO - Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những tảng nhựa dính lên đá bên bờ biển một hòn đảo ở Bồ Đào Nha và xác nhận đây là một hình thức ô nhiễm nhựa hoàn toàn mới.