Ngày 17-7, giá lúa mì và bắp trên các thị trường hàng hóa toàn cầu đã tăng lên sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Ukraine ở Biển Đen.
Theo Đài CNN, giá lúa mì giao sau trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) tăng 2,7% lên 6,8 USD/bushel (1 bushel lúa mì = 27,2kg), còn giá bắp giao sau tăng 0,94% lên 5,11 USD/bushel (1 bushel bắp = 25,4kg) do các thương nhân lo ngại về nguồn cung.
Đảo ngược xu hướng giảm giá
Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3-2022, nhưng đã giảm đều đặn kể từ đó.
Cũng cần lưu ý giá lúa mì hiện nay vẫn đang thấp hơn 54% so với mức cao nhất mọi thời đại ghi nhận vào tháng 3-2022 sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, còn giá bắp thấp hơn 37% so với mức giá cao nhất trong 10 năm ghi nhận vào tháng 4-2022.
Tuy nhiên giờ đây, sau khi Nga tuyên bố rút khỏi "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen", xu hướng giảm giá đó có thể bị đảo ngược do nguồn cung giảm đáng kể. Sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc có nguy cơ đẩy giá lương thực tăng cao với người tiêu dùng trên khắp thế giới và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói ăn.
Theo Hãng tin AFP, các nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc sẽ có ít tác động ngay lập tức, nhưng về trung hạn sẽ khiến thị trường căng thẳng và đẩy giá lương thực tăng cao.
Thỏa thuận ngũ cốc, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, được ký kết giữa Nga và Ukraine vào tháng 7-2022 để nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen an toàn, với kỳ vọng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, đến nay thỏa thuận đã cho phép xuất khẩu gần 33 triệu tấn lương thực qua các cảng của Ukraine, đến 45 quốc gia.
Ông Adam Hodge, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, bình luận: "Quyết định của Nga về việc dừng tham gia "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và gây hại cho hàng triệu người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới".
Thỏa thuận này đã được gia hạn ba lần, nhưng Nga đã nhiều lần đe dọa rút khỏi. Đầu tuần này, Điện Kremlin giải thích Nga rút khỏi thỏa thuận vì Matxcơva đã bị cản trở trong việc xuất khẩu các sản phẩm của họ, gồm ngũ cốc và phân bón.
Nga cũng phàn nàn những lô ngũ cốc đã xuất khẩu theo thỏa thuận rốt cuộc cũng không đến được với các nước nghèo.
Nước nào bị ảnh hưởng nặng?
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trước chiến tranh, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, chiếm 10% tổng nguồn cung. Ngoài ra, Ukraine là một trong ba nhà xuất khẩu lúa mạch, bắp, dầu hạt cải hàng đầu thế giới; là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất (chiếm 46% lượng xuất khẩu toàn cầu).
Do đó việc nông sản Ukraine không thể xuất khẩu sẽ gây áp lực cho nhiều nước, nhất là các nước ở châu Phi như Somalia, Ethiopia và Kenya, những nơi đang trải qua tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Những quốc gia đối mặt với xung đột và thời tiết khắc nghiệt như Yemen, Afghanistan... cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại thủ đô Mogadishu của Somalia, giá lúa mì đã tăng gấp đôi khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, nhưng đã giảm 25% sau khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết. Theo Hãng tin Reuters, lúc này mọi người, từ thương nhân cho đến thợ làm bánh, các nạn nhân của xung đột vũ trang và hạn hán tại Somalia đều cảm thấy lo sợ.
"Tôi không biết chúng tôi sẽ sống như thế nào", bà Halima Hussein, một bà mẹ năm con sống trong một khu trại đông đúc ở Mogadishu, chia sẻ.
Bà Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa tại Công ty Capital Economics, nhận định các nước giàu sẽ ít bị ảnh hưởng hơn các nước ở Trung Đông và châu Phi. Bà nói: "Giá nông sản tăng trở lại rõ ràng sẽ đẩy giá thực phẩm bán lẻ lên, nhưng có lẽ không nhiều như bạn nghĩ, nhất là ở các nền kinh tế phát triển".
Theo báo cáo của Mạng lưới Thông tin an ninh lương thực (FSIN) năm ngoái, các cú sốc kinh tế - bao gồm tác động của cuộc chiến ở Ukraine và đại dịch COVID-19 - là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở 27 quốc gia, ảnh hưởng đến gần 84 triệu người.
Nỗi lo mang tên El Nino
Ngoài sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc, hiện tượng thời tiết El Nino trở lại trong năm nay cũng sẽ tác động đáng kể tới nguồn cung lương thực toàn cầu.
Theo Hãng tin AP, thời tiết ấm và khô hơn do hiện tượng El Nino xảy ra sớm hơn bình thường dự kiến sẽ gây tác động xấu với việc sản xuất lúa gạo trên khắp châu Á (nơi trồng và tiêu thụ 90% lúa gạo thế giới), ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu.
Ông Beau Damen, quan chức phụ trách tài nguyên thiên nhiên của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp có trụ sở ở Bangkok (Thái Lan), cho biết mỗi đợt El Nino sẽ khác nhau, nhưng dữ liệu trước đây cho thấy lượng mưa khan hiếm ở Nam Á và Đông Nam Á sẽ làm khô đất, gây ra hiệu ứng phân tầng trong những năm tới.
Ông nhận định một số nước như Indonesia có thể dễ bị ảnh hưởng hơn trong giai đoạn đầu của hiện tượng này.
Ukraine tìm giải pháp thay thế
Theo báo New York Times, với việc các cảng Biển Đen đóng lại, Ukraine có thể phải tăng gấp đôi việc sử dụng các lộ trình thay thế để đưa ngũ cốc ra ngoài, bao gồm xuất khẩu qua sông Danube ở châu Âu hay vận chuyển bằng xe tải và tàu hỏa - những lộ trình này đều mất nhiều thời gian hơn so với vận chuyển bằng tàu qua Biển Đen.
Theo Hãng tin Tass (Nga) ngày 18-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Matxcơva không còn có ý định tin vào bất kỳ lời hứa nào của các nước phương Tây và Liên Hiệp Quốc liên quan thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Bà khẳng định Nga chỉ sẵn sàng quay lại thỏa thuận ngũ cốc một khi các điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận ban đầu được thực hiện thích hợp.
Từ ngũ cốc, dầu thực vật cho tới sữa, thịt... giá nhiều loại hàng hóa trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2022. Liệu năm nay giá lương thực còn tăng hay sẽ giảm xuống?