Chiều nay 20-7, phiên toà xét xử cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu " tiếp tục với phần tranh tụng.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa nói tại phiên toà. Ảnh: Nam Anh
Tại phiên toà, bị cáo Trần Thị Mai Xa, giám đốc Công ty MasterLife, khai tháng 6-2021, doanh nghiệp của bị cáo lần đầu được cấp phép "Chuyến bay giải cứu". Thời điểm này cũng là lần đầu tiên bị cáo có hành vi vi phạm pháp luật.
Về nguyên nhân vi phạm, bị cáo Xa cho biết thời điểm này bị cáo xin cấp phép 2 chuyến bay, đã được 3 trong 4 Bộ chấp thuận, chỉ có Cục Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) có văn bản chưa chấp thuận. "Bị cáo rất sốt ruột vì tháng 4, doanh nghiệp chưa được cấp phép chuyến bay, bị cáo đã phải bán nhà để mua chuyến bay khác. Song chỉ còn 2 ngày trước khi tổ chức chuyến bay mà vẫn bị từ chối"- bị cáo Xa bức xúc nói và cho biết sau đó nữ doanh nghiệp đã gọi điện sang Phòng Bảo hộ Công dân (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) thì được trả lời: "Có vướng mắc một chút bên Bộ Công an, em sang đó xem như nào".
"Bị cáo khi đó thực sự rất run bởi vì bị cáo như chim ngã mà sợ cành cong, bị cáo không còn nhà để bán nữa. Chính vì thế, bị cáo lên Cục Xuất Nhập cảnh để gặp bị cáo Vũ Sĩ Cường (cựu cán bộ Cục Xuất Nhập cảnh) và được biết lý do từ chối là "sếp anh không biết doanh nghiệp của em là ai cả""- nữ doanh nhân khai. Đồng thời, theo bị cáo Xa, Cường cho biết thêm: "Thôi để giải quyết nhanh em nên làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì cũng khó lắm".
"Khi đó, thực sự trong lòng bị cáo rất ấm ức. Bị cáo cảm thấy những thứ mình đang làm tốt, theo đúng chủ trương nhân đạo của nhà nước, tại sao lại bị từ chối như vậy. Đứng trước sự lựa chọn như vậy, doanh nghiệp của bị cáo là phụ thuộc vào chính quyền và các cơ quan ban ngành để xin được cấp phép như vậy"- bị cáo xúc động nói và cho biết thêm tiếp đó bản thân đã buộc phải tìm mọi cách để xoay tiền đáp ứng yêu cầu mới được "Ý kiến đồng thuận".
Nói bằng giọng tỏ ra ấm ức, bị cáo Xa cho rằng đáng lẽ trả lời "Ý kiến đồng thuận" phải là trách nhiệm của các bộ ngành chứ không phải thẩm quyền của các doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân để bị cáo vướng vào sai phạm.
"Bị cáo cảm thấy rất giận Cục Lãnh sự vì đây là cơ quan chủ trì sao lại để bị cáo đứng đây. Sai phạm đưa tiền cho các cán bộ là trong vô thức, bị cáo không ý thức được điều đó nhưng lần đầu đã đưa rồi thì lần sau cứ thế mà đưa thôi, nó như một cái thông lệ"- bị cáo Xa nghẹn ngào nói.
Theo bị cáo Xa, trong những chuyến bay đầu tiên bị cáo tổ chức, trung bình mỗi chuyến có 10 hũ tro cốt. Lúc đó, bị cáo hỏi anh Vũ Anh Tuấn, khi đó là cán bộ Cục Xuất nhập cảnh: "Tại sao không cấp phép chuyến bay cho bên em", thì được trả lời "Cục Lãnh sự trả lời chưa thật sự cấp thiết"
"Vậy bị cáo hỏi rằng trong lúc dịch bệnh cả thế giới hoảng loạn như thế thì như nào mới là cấp thiết"- bị cáo Xa nói về những khó khăn trong việc cấp phép chuyến bay.
Khép lại lời tự bào chữa, bị cáo Xa mong muốn Hội đồng xét xử "đồng cảm" với bị cáo và các bị cáo là doanh nghiệp đang tại phiên toà. "Mong hội đồng xét xử, VKSND xem xét đồng cảm, đưa ra bản án phù hợp nhất với khối doanh nghiệp của bị cáo".
Sáng mai 21-7, VKSND sẽ tiếp tục đối đáp đối với các quan điểm bào chữa của các bị cáo và các luật sư.
Theo cáo buộc, trong quá trình tổ chức thực hiện các chuyến bay, bị cáo Trần Thị Mai Xa đã sử dụng Công ty Masterlife cùng 4 pháp nhân của các công ty khác tổ chức được 18 chuyến bay. Để được giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 6-2021 đến tháng 1-2022, Trần Thị Mai Xa liên hệ, đặt vấn đề và đưa hối lộ cho 8 cá nhân có thẩm quyền, tổng số 19 lần, với tổng số tiền hơn 8,1 tỉ đồng.
Tại phiên toà, bị cáo Trần Thị Mai Xa bị đại diện VKSND đề nghị 4-5 năm tù.