Ngày 21-7 tại Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và VCCI Cần Thơ tổ chức hội nghị nhận diện những khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI Cần Thơ - cho biết qua khảo sát cho thấy hiện có sự chồng chéo giữa các văn bản luật. Khi được hỏi, các doanh nghiệp trong lĩnh lực đầu tư xây dựng, bất động sản cho rằng có sự cản trở rất nhiều bởi Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
Ông Lam dẫn chứng Luật Đất đai yêu cầu doanh nghiệp phải có chủ trương đầu tư mới được thay đổi quyền sử dụng đất, trong khi Luật Đầu tư yêu cầu quyền khai thác đất đã có quyền sử dụng thì mới xin chủ trương đầu tư. Như vậy các dự án khi thực hiện không biết phải sử dụng quy định nào và đang vướng rất nhiều.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác công tư đang gặp trở ngại ở lĩnh vực điện gió, năng lượng tái tạo do Chính phủ chưa xác định giá mua điện và rất nhiều dự án trị giá hàng tỉ đô đang phải nằm chờ giá điện này.
“Không có giá điện thì những định chế tài chính không thể bơm tiền để tiếp tục đầu tư và đối với những dự án đặc biệt lớn phải chờ sự đảm bảo của Chính phủ. Việc này phải tiếp tục chờ và đang cản trở thu hút FDI tại Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Lam nhận định.
Theo ông Lam, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 21 triệu dân với gần 9 triệu người trong độ tuổi lao động, tuy nhiên vẫn là lao động phổ thông di chuyển lên TP.HCM và Đông Nam Bộ. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp than phiền với chính sách kêu gọi, ưu đãi rất tốt nhưng vẫn không tìm được lao động.
Ông Dixon Oh - phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam - cho rằng chi phí nhân công ở Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn lao động tại chỗ để phát triển công nghiệp và mong muốn các địa phương tập trung phát triển giáo dục về khoa học và công nghệ.
Ngoài ra quy trình đăng ký FDI cần được đẩy nhanh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp - một lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long.
“Cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có đường sá, sân bay và bến cảng, nhưng cần đầu tư hơn nữa hạ tầng về vận tải, cảng biển và hậu cần để hoàn thiện hệ thống kết nối toàn vùng và đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng”, ông Dixon Oh đề xuất.
Trong 10 tháng năm 2015, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu hút được 125 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,8 tỉ USD.