Trong 6 tháng đầu năm 2023, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao. Chính sách tiền tệ của Mỹ, EU được dự báo sẽ phức tạp hơn khi khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu đang tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.
Nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn cũng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực từ những diễn biến bất lợi của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, khi nhìn về nửa cuối năm 2023, bối cảnh khó khăn do những áp lực từ lạm phát, tỷ giá, lãi suất… đã khiến điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Chính sách tiền tệ dù quan trọng nhưng không phải là tất cả
Chia sẻ tại tọa đàm "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" diễn ra chiều 20/7, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh đã chỉ ra 3 bài học mà Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo từ các nướclớn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
"Bài học đầu tiên mà tôi cho là rất quan trọng là các nước đều rất quan tâm tới cả 2 mục tiêu: Ổn định vĩ mô mà một chỉ số quan trọng là lạm phát", Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh nhận định.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành cho biết, các nước như Hoa Kỳ, với hành động của Fed hay nhiều nước châu Âu đang rất ưu tiên cho mục tiêu này. Mặt khác cũng có những quốc gia đơn cử là Nhật Bản và Trung Quốc, trong bối cảnh lạm phát còn rất thấp thì họ chuyển mạnh vào hỗ trợ tăng trưởng.
Theo TS. Võ Trí Thành, điều rõ ràng nhất là tuyên ngôn của các Ngân hàng Trung ương phải rất rõ về mục tiêu ưu tiên. Đối với Mỹ và châu Âu, họ đã ấn định mục tiêu cuối cùng là lạm phát phải ở con số 2%. Bên cạnh đó, họ vẫn dịch chuyển chính sách tiền tệ để có sự tăng trưởng đồng thời không gây ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế sau đại dịch bằng cách không thay đổi lãi suất một loạt mà chỉ gia giảm. Còn với Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, mặc dù quốc gia này tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng nhưng họ vẫn theo dõi rất chặt chẽ biến động của lạm phát, để khi cần thiết có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ.
“Như vậy, bài học ở đây là phải rất rõ ràng, minh bạch, cùng với đó là sự linh hoạt, khéo léo để làm sao đạt được cả 2 mục tiêu”, ôngThành nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, chúng ta hay nói về chính sách tiền tệ thường được hiểu là câu chuyện làm sao để vừa ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng, phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh. Nhưng lưu ý là sách tiền tệ cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định, độ an toàn, sự lành mạnh của thị trường tài chính ngân hàng.
“Bài học này không mới nhưng từ cuộc khủng hoảng châu Á đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 và đến nay câu chuyện sự sụp đổ của một loạt ngân hàng là rất rõ ràng. Khởi đầu là ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) Mỹ và kéo theo sự sụp đổ của một loạt ngân hàng khác, đặc biệt là ngân hàng top đầu Silvergate Bank”, ông Thành đưa ra dẫn chứng.
Do đó, khi đưa ra bài học thứ hai cho Việt Nam, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh rằng, cần chú ý đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng trong đièu hành chính sách tiền tệ.
“Thực tế trong năm 2022, Việt Nam rất vất vả chống đỡ sự rung lắc của thị trường tài chính và đặc biệt là chấn động của một số ngân hàng ở Việt Nam. Chúng ta phải lưu ý bài học này”, TS. Võ Trí Thành cho biết.
Cuối cùng, khi phân tích về bài học thứ ba, TS. Võ Trí Thành lưu ý, chính sách tiền tệ dù quan trọng nhưng không phải là tất cả bởi để đạt được đa mục tiêu đặc biệt là với nền kinh tế mở, luân chuyển dòng vốn mạnh thì phải phối hợp rất chặt chẽ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, ngân sách.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cũng nhấn mạnh, điều này đã được thể hiện rõ qua đại dịch cũng như bối cảnh khó khăn gần đây, bên cạnh việc chính sách tiền tệ đã “đỡ” những gánh nặng cho hỗ trợ, tăng trưởng, thì còn có cả lực đỡ của chính sách tài khóa. Ví dụ về câu chuyện của Hoa Kỳ, Fed có thể mua trái phiếu Chính phủ Mỹ để cung ứng khả năng tiền và thanh khoản cho bên chính sách tài khóa.
“Theo tôi, bên cạnh 3 bài học như trên thì chúng ta cũng cần bám sát thông tin một cách linh hoạt và minh bạch”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Giảm lãi suất không phải là liều thuốc vạn năng
Theo TS. Võ Trí Thành, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng nhưng chính bối cảnhhiện nay đã tạo điều kiện cho Việt Nam có những bước chuyển hướng chính sách, cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tập trung chủ yếu vào hỗ trợ tăng trưởng.
“Đối với chính sách tài khóa, có điểm khác biệt là vấn đề liều lượng, là tương quan giữa rủi ro và liều lượng (liều lượng quá mức thì tăng rủi ro). Thế nhưng, hiện nay chúng ta đều thống nhất là chính sách tài khóa có dư địa còn khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công mà chúng ta hay nói "có tiền mà không tiêu được".
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu giải ngân hơn 710.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm nay phải phấn đấu đạt được 95%. Về nợ công so với mức trần mà Quốc hội đề ra thì hiện nay dư địa còn lớn”, ông Thành nhấn mạnh.
Còn với chính sách tiền tệ, TS. Võ Trí Thành cho rằng, câu chuyện liều lượng nới lỏng ra sao đang là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Về lãi suất, Việt Nam còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất (giảm 1 - 1,5% từ nay đến cuối năm), nhưng dựa trên nguyên tắc quản trị thì không thể để "đồng tiền dễ dãi".
“Mặc dù rất quan trọng nhưng lãi suất không phải liều thuốc vạn năng mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như: Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn”, chuyên gia lưu ý.
Bên cạnh đó, TS. Võ Trí Thành cũng đã chỉ ra 3 rủi ro mà Việt Nam có thể gặp phải khi nới lỏng chính sách tiền tệ và ông nhấn mạnh thêm, lạm phát không phải là vấn đề quá lớn mà vấn đềquan trọng là “dòng tiền đi vào đâu” và “tỷ giá”.
Cụ thể, thứ nhất, nới lỏng chính sách tiền tệ để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Thứ hai là liên quan đến tỷ giá. Cách đây 1 - 2 tuần, có thời điểm tỷ giá đồng Việt Nam tăng mạnh. Như vậy giới hạn của giảm lãi suất không chỉ nằm ở vấn đề huy động tiền gửi mà còn là vấn đề tỷ giá và đằng sau đó là câu chuyện dịch chuyển vốn (giữa đồng Việt Nam và USD).
Thứ ba, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống. Bên cạnh thanh khoản, nếu đồng tiền trở lên “dễ dãi” thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi tài sản tài chính". Theo chuyên gia, đây là một thách thức đối với NHNN. Ví dụ, vừa rồi sửa Thông tư 06, có lĩnh vực NHNN yêu cầu NHTM giám sát chặt rủi ro như tiền vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) phân tích thêm, năm nay Việt Nam không quá lo ngại về lạm phát và quan trọng là cầntập trung vào phục hồi, kích thích tăng trưởng.
Để củng cố niềm tin vào chính sách Đảng và Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực đã cung cấp thêm 3 số liệu quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất là cung tiền. Đến thời điểm hiện nay, M2, cung tiền của Việt Nam là 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức từ 4 - 5%, thậm chí là 7% của năm 2019. Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.
Chỉ số thứ hai là vòng quay tiền. Vòng quay tiền trong 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. “So với thời kỳ tốt của chúng ta là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra, vòng quay tiền nhanh hơn một chút, nhưng rõ ràng không quá quan ngại”, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá.
Cuối cùng, theo TS. Cấn Văn Lực, mặt bằng giá cả của cả thế giới và Việt Nam năm nay về cơ bản tương đối ổn định, và lạm phát của thế giới đang giảm, dẫn đến hiện tượng gọi là "nhập khẩu lạm phát" của Việt Nam từ bên ngoài.
“Lạm phát của chúng ta có lẽ chỉ ở mức độ khoảng 3,5 - 4%. Hết sức yên tâm câu chuyện lạm phát, để chúng ta yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng”, ông Lực cho biết thêm./.
Xem thêm: lmth.25902000042210202-iad-ed-neit-gnod-ed-eht-gnohk-gnuhn-gnol-ion-eht-oc-ttsc/nv.semitaer