Nhiều địa phương xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng
Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lượng giảm phát thải và tăng hấp thụ carbon từ rừng của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018 so với giai đoạn tham chiếu 1995 - 2010 khoảng 40 triệu tấn/năm. Con số này hoàn toàn có thể đưa ra thương mại hoá.
Tính với giá mà đã từng chuyển nhượng là 5 USD/tấn carbon thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về 200 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương có tiềm năng lớn về việc bán tín chỉ carbon rừng, được nhiều tổ chức quốc tế quan tâm nhưng vẫn chưa hiện thực hoá tiềm năng thành nguồn lực tài chính.
Hiện nay nhiều địa phương có tiềm năng lớn về việc bán tín chỉ carbon rừng. Ảnh minh họa.
Với diện tích gần 500.000 ha rừng, độ che phủ hơn 60%, trung bình mỗi năm rừng Quảng Nam sẽ tạo được 1 triệu tín chỉ carbon. Nếu giao dịch thành công, Quảng Nam có thể thu về trên 100 tỷ đồng. Nguồn thu này lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hiện có. Không chỉ có những người trực tiếp giữ rừng mà ngay chính quyền các địa phương có rừng rất kỳ vọng vào việc thương mại hoá tín chỉ carbon.
Theo đại diện UBND tỉnh Quảng Nam, mong muốn lớn nhất của họ cần một hành lang pháp lý rõ ràng, để họ có thể thương mại hoá tín chỉ carbon, cũng là mong muốn của nhiều hộ trồng và giữ rừng.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Mong muốn Chính phủ ra hành lang pháp lý cho việc buôn bán tín chỉ carbon, mà không chỉ cho địa phương mà cho một hộ dân và một chủ rừng họ cũng có thể bán được".
Nếu thương mại hoá được tín chỉ carbon rừng, trong vòng 10 năm tới, diện tích rừng tự nhiên của Quảng Nam sẽ tăng thêm 20%, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung của cả nước.
Không chỉ với những địa phương, mà ngay cả nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đang có ý định đầu tư tín chỉ carbon rừng của Việt Nam, nhưng vẫn rất dè dặt, mặc dù mức độ quan tâm của họ rất lớn.
Khung pháp lý mở đường thị trường tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam
Theo thông tin mới nhất từ Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã hoàn thiện việc xây dựng cơ chế chuyển quyền carbon và trình Chính phủ trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156. Khi Nghị định này được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon rừng - điều mà nhiều địa phương, các nhà đầu tư đang rất mong đợi.
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 156 đang trình Chính phủ thì có bổ sung riêng hẳn một điều 72a quy định chi tiết về việc thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng. Đây chính là cơ sở pháp lý đầy đủ việc giao dịch tín chỉ carbon rừng của Việt Nam.
"Bao gồm quy định về đối tượng có thể cung cấp về dịch vụ carbon rừng và các chủ rừng, đối tượng có thể tham gia kết quả giảm phát thải này và quy định về điều kiện được tham gia, cũng như trình tự thủ tục lập đề án giảm phát thải, việc quản lý tài chính…", ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Trong dự thảo Nghị định bổ sung rõ quyền carbon rừng là quyền mua bán, chuyển nhượng, cung ứng hợp tác liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và hưởng lợi từ kết quả giảm phát thải.
Theo các chuyên gia, những quy định mới này được xây dựng theo hướng trao đổi carbon tại thị trường tự nguyện, tuân thủ cách tiếp cận chung của quốc tế.
Việc hoàn thiện khung pháp lý sớm sẽ hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý mở đường cho việc giao dịch tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng bộ Tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ carbon rừng để áp dụng cho thị trường carbon trong nước.
Giao dịch tín chỉ carbon rừng là một điển hình thành công của Việt Nam và đang chờ thêm những hành lang pháp lý mới để tiếp tục nhân rộng. Nhìn xa hơn, tín chỉ carbon rừng mới chỉ là một phần của tiềm năng thị trường giao dịch tín chỉ carbon nói chung.
Bởi tại một số mô hình trên thế giới, chính các doanh nghiệp còn trở thành đối tác mua bán tín chỉ carbon trực tiếp với nhau, khẳng định xu hướng toàn cầu. Khi ngày càng nhiều các quốc gia đang theo đuổi cam kết Net Zero, ước tính của Statista cho thấy, giá trị thị trường carbon trên toàn thế giới tiếp tục tăng thêm 13,5% trong năm 2022, đạt con số 865 tỷ Euro.
VTV.vn - Thương mại carbon rừng không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, mà còn có tiềm năng tài chính rất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.19891854022703202-gnur-nobrac-ihc-nit-iam-gnouht/et-hnik/nv.vtv