Phim MONSTER- OFFICIAL TRAILER
Mới đây bộ phim Monster (tựa Việt: Quái vật) của đạo diễn Hirokazu Kore-eda ra mắt khán giả Việt Nam.
Phim xoay quanh bà mẹ đơn thân Saori (Sakura Ando) nghi ngờ cậu con trai Minato (Soya Kurokawa) bị thầy giáo Hori (Eita Nagayami) và các bạn bắt nạt ở trường học. Dưới góc nhìn của thầy Hori, câu chuyện lại xoay chuyển thành cậu bé Minato mới là người đi bắt nạt các bạn học khác.
Trước khi khởi chiếu tại Việt Nam, Monster được công chiếu vào ngày thứ hai trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2023 (từ ngày 16 đến 27-5).
Tác phẩm nhận nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, đồng thời đưa đến cái nhìn chân thật về ngôn ngữ điện ảnh mang tên Hirokazu Kore-eda.
Hirokazu Kore-eda từng mơ ước thành tiểu thuyết gia
Hirokazu Kore-eda sinh năm 1962. Trước khi đến với điện ảnh, ông từng có ước mơ trở thành một tiểu thuyết gia.
Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ cơ hội làm trợ lý đạo diễn cho một đài truyền hình, ông nhận ra khao khát thật sự của mình là trở thành một nhà làm phim.
Bắt đầu sự nghiệp với những bộ phim truyền hình và tài liệu, nhưng sau đó, vị đạo diễn người Nhật nhanh chóng khiến giới điện ảnh phải chú ý với bộ ba phim khai thác chủ đề xã hội chấn động ở Nhật Bản.
Phim đầu tay của ông là Maborosi (1995) được giới phê bình phương Tây coi là nhân tố mới ảnh hưởng đến Làn sóng mới những năm 1990 tại đất nước mặt trời mọc.
Với After Life (1998), Hirokazu Kore-eda đi sâu vào mối liên hệ phức tạp giữa ký ức, sự mất mát, hối hận và cả sự thật, thông qua sự thay đổi của các linh hồn khi con người qua đời.
Còn Distance (2001) kể câu chuyện về những vụ tự tử và cách mà người thân của nạn nhân vượt qua mất mát. Phim đặt điểm nhìn mới mẻ, khi những người còn sống tưởng niệm về người đã mất qua những ký ức đan xen vào nhau.
Những tác phẩm đầu tiên này cũng đặt nền móng cho ngôn ngữ điện ảnh trong phim của Kore-eda. Ông thường tái hiện nhiều lát cắt nhỏ trong cuộc sống của những con người vô danh và cả những kẻ bên lề xã hội. Màu sắc phim buồn bã nhưng không bi lụy mà đầy tính hiện thực, tràn ngập sự ấm áp của tình người.
Niềm tự hào của điện ảnh Nhật Bản
Là một trong số những tên tuổi quan trọng của điện ảnh đương đại, thường được so sánh với các bậc thầy Yasujiro Ozu, Thái Minh Lượng hay Hầu Hiếu Hiền ở châu Á, các bộ phim của Hirokazu Kore-eda được coi là báu vật và niềm tự hào của Nhật Bản.
Tại Cannes 2022, Kore-eda đã giúp Song Kang Ho trở thành diễn viên Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất với bộ phim Broker (Người môi giới).
Bộ phim này được lấy cảm hứng trực tiếp từ những câu chuyện xoay quanh chiếc "hộp em bé" có thật tại Hàn Quốc, cho phép những người mẹ lầm lỡ không đủ điều kiện nuôi con gửi lại đứa trẻ. Chúng sẽ được chăm sóc tạm thời rồi giao lại cho các cô nhi viện hoặc tìm người nhận nuôi.
Bằng cách sử dụng những khung hình tĩnh, với nhịp phim chậm và những khoảng lặng cần thiết, Broker nhẹ nhàng đưa khán giả đi vào miền chiêm nghiệm nhân sinh.
Hirokazu Kore-eda giúp khán giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa của sự sống, về cách những con người không chung máu mủ yêu thương nhau như gia đình ruột thịt, về những điều tích cực còn đọng lại sau những thăng trầm cuộc đời.
Một tác phẩm nổi tiếng khác của ông là Shoplifters, thắng giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2018.
Phim tiếp tục xoay quanh đề tài gia đình thường thấy trong phim của Hirokazu Kore-eda, nhưng lần này ông đã nâng tầm câu chuyện thêm một bậc. Tác phẩm khai thác trần trụi những ẩn ức, góc khuất trong cuộc sống gia đình, buộc người xem phải tò mò theo dõi để khám phá những bí mật ẩn phía sau trong thời gian cuối phim.
Theo dõi những tác phẩm của Hirokazu Kore-eda, ta thấy những ranh giới bị xóa nhòa. Không có trắng, đen và đúng, sai, không tôn vinh hay phán xét. Chỉ có cảm xúc dẫn đường, trên nền hiện thực vừa trần trụi nhưng cũng vừa mộng mơ. Và mọi câu chuyện đều khép lại theo hướng để mở, để mỗi khán giả có thể tự điền vào đó cái kết mình mong muốn.
Có thể nói, Hirokazu Kore-eda là bậc thầy trong việc sử dụng những câu chuyện cá biệt để liên đới đến cái phổ quát, mà rộng nhất ở đây chính là thân phận con người.
Giống như ông từng trả lời trong một bài phỏng vấn: "Tôi không có ý định tạo ra người hùng, siêu nhân, hay người xấu. Đơn giản, con người ta là như thế nào thì tôi muốn quan sát họ với bản chất ấy".
Và quả thật, mỗi tác phẩm của vị đạo diễn người Nhật Bản đều chẳng cần cố gắng phô diễn những gì đao to búa lớn. Mọi thứ cứ chậm rãi, từ tốn như một mặt hồ tĩnh lặng, khiến người xem phải đào sâu khám phá để tìm được sự bừng ngộ từ bên trong.
Tác phẩm điện ảnh "Monster" của đạo diễn, nhà biên kịch Nhật Bản Hirokazu Kore-eda gây sốt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76.