Ngoài việc phạm tội trốn thuế theo quy định pháp luật hiện hành, người vi phạm còn bị truy thu cùng lúc số tiền lớn.
Cho thuê 1 thửa đất, 3 người hầu tòa
Đầu tháng 12-2022, TAND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai xét xử vụ án trốn thuế đối với các bị cáo: Đ.T. (41 tuổi, ngụ TP.HCM), T.H. (53 tuổi, ngụ Đồng Nai) và N.T. (54 tuổi, chồng bà H.).
Theo cáo trạng, vợ chồng bà T.H. cùng đứng tên thuê thửa đất ở huyện Thống Nhất của ông M. với thời hạn 20 năm, giá thuê là 36 triệu đồng/năm theo hợp đồng thuê được chứng thực tại UBND xã.
Sau đó, vợ chồng bà H. xây dựng nhà xưởng sản xuất trần thạch cao. Do sản xuất không hiệu quả nên tháng 8-2014, vợ chồng bà H. ký hợp đồng cho ông Đ.T. thuê lại toàn bộ đất và nhà xưởng trong thời gian 10 năm với giá thuê 45 triệu đồng/tháng.
Tính từ tháng 6-2016 đến năm 2019, ông Đ.T. đã trả tiền thuê kho cho vợ chồng bà H. 1,7 tỉ đồng. Sau khi thuê xưởng và lắp đặt máy móc sản xuất viên nén từ bột cưa, ngày 28-10-2016, ông Đ.T. và Công ty V.N. ký hợp đồng góp vốn sản xuất, kinh doanh. Theo thỏa thuận, ông Đ.T. góp vốn bằng mặt bằng và toàn bộ máy móc, thiết bị.
Toàn bộ số tiền Công ty V.N. trả cho ông Đ.T. (kể cả tiền thuê mặt bằng cho vợ chồng bà H.) bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản từ năm 2016 - 2019 là hơn 4,2 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định bản chất việc thỏa thuận góp vốn hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa ông Đ.T. và Công ty V.N. thực chất là hợp đồng cho thuê tài sản. Số tiền Công ty V.N. thanh toán cho ông Đ.T. là tiền thuê nhà xưởng và máy móc thiết bị.
Tại kết luận giám định tư pháp của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai xác định số tiền thuế và phí, lệ phí mà vợ chồng bà H. phải nộp là 175 triệu đồng, còn ông Đ.T. phải nộp là 428 triệu đồng.
Quá trình điều tra, ông Đ.T. đã tự nguyện nộp đầy đủ số tiền thuế đã trốn nộp, vợ chồng bà H. cũng đã nộp lại 20 triệu đồng tiền trốn thuế.
Tại tòa, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của các bị cáo là không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật.
Sau khi cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, hội đồng xét xử tuyên phạt 3 bị cáo trên từ 6 tháng đến 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội trốn thuế. Vợ chồng bị cáo H. còn phải nộp thêm 155 triệu đồng còn lại để khắc phục thuế và lệ phí đã trốn.
Tù treo chuyển thành tù giam vì thuế
Đầu tháng 4 năm nay, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã có thông báo đến các viện kiểm sát trong khu vực nghiên cứu rút kinh nghiệm chung về một vụ án trốn thuế bị tòa phúc thẩm sửa án, do các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm áp dụng không đúng pháp luật.
Theo nội dung vụ án, bà S. bỏ vốn thành lập công ty mua bán nông, lâm sản nguyên liệu. Bà S. thuê bà K. đứng tên chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Trên thực tế mọi hoạt động của công ty này đều do bà S. trực tiếp quản lý, điều hành.
Ngày 4-4-2016, bà S. bị TAND TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tuyên phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về "tội mua bán trái phép hóa đơn", thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án.
Cũng trong năm 2016, công ty của bà S. phải nộp thuế GTGT cho Nhà nước với số tiền 3,1 tỉ đồng. Nhưng để trốn thuế, bà S. đã lập hồ sơ, chứng từ khống nhằm chiếm đoạt số tiền nêu trên.
Vụ việc sau đó bị phát hiện, bà S. bị truy tố và đưa ra tòa xét xử về tội trốn thuế. Tháng 2-2020, TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt bị cáo S. mức án 2 năm tù về tội trốn thuế. Sau đó, bà S. kháng cáo xin hưởng án treo.
Đồng thời Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng cũng có kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chuyển 12 tháng tù treo của tội mua bán trái phép hóa đơn thành 12 tháng tù giam. Tổng hợp 24 tháng tù của tội trốn thuế, bị cáo S. phải chấp hành 36 tháng tù giam.
Ngày 15-9-2020, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của bị cáo S. và chấp nhận kháng nghị của viện kiểm sát.
Theo cấp phúc thẩm, thời gian thử thách của án treo về tội mua bán trái phép hóa đơn của bị cáo là từ ngày 4-4-2016 đến ngày 4-4-2018 nhưng trong khoảng thời gian từ ngày 19-7-2016 đến ngày 25-2-2017 bị cáo đã phạm tội trốn thuế. Như vậy, có căn cứ xác định bị cáo S. đã thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách án treo.
Hầu tòa vì mua đất 26 tỉ, kê khai 5 tỉ đồng
Đầu năm nay TAND quận Ninh Kiều, Cần Thơ đã xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh T. (ngụ quận Ninh Kiều) 250 triệu đồng về tội trốn thuế.
Theo hồ sơ, tháng 3-2022, ông T. ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà C.. Ông T. là người chịu trách nhiệm kê khai thuế, phí liên quan. Tuy nhiên, ông T. lại ký hai hợp đồng công chứng trên cùng một thửa đất chuyển nhượng trên. Trong đó, một hợp đồng có giá trị 5 tỉ đồng và một hợp đồng sửa đổi, bổ sung có giá trị 26 tỉ đồng.
Tháng 5-2022. Chi cục Thuế quận Ninh Kiều có công văn gửi đến cơ quan công an, đề nghị điều tra xử lý ông T. do có dấu hiệu trốn thuế.
Theo Cục Thuế Cần Thơ, hành vi lập hai hợp đồng làm chênh lệch giá trị chuyển nhượng đến 21 tỉ đồng của ông T. đã gây thất thu cho ngân sách 420 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân và 105 triệu đồng lệ phí trước bạ.
Làm việc với cơ quan điều tra, ông T. thừa nhận việc ký hai hợp đồng như trên là để đóng thuế, phí ít hơn. Quá trình điều tra, ông T. đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền 525 triệu đồng tiền trốn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.
TTO - Sau khi Chi cục Thuế TP Quy Nhơn (Bình Định) chuyển hồ sơ các vụ "mua đất giá cao, bán giá rẻ" có dấu hiệu trốn thuế sang cơ quan điều tra, nhiều người mua bán đất đã đi khai bổ sung để nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ.