"Thà đá cầu còn hơn đá bóng"
Nếu bóng đá nữ Việt Nam chạm được vào tấm vé dự World Cup hai thập niên trước, người giờ đây đang xuất hiện trên các áp phích quảng cáo lộng lẫy, đang là ngôi sao được truyền thông săn đón ắt hẳn đã là Lưu Ngọc Mai.
Chúng tôi hẹn gặp Mai "gà" hai tuần trước thềm World Cup 2023. Ban đầu chị ngại ngùng muốn từ chối, bởi lẽ toàn bộ câu chuyện về sự nghiệp của chị, chị từ lâu đã kể rồi.
Chúng tôi thuyết phục mãi, rằng đây sẽ là câu chuyện kéo dài 30 năm cần phải kể thêm nữa. Để người hâm mộ biết rằng hành trình giành vé dự World Cup đầu tiên trong lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam là một câu chuyện kéo dài qua nhiều thế hệ nỗ lực, chứ không chỉ là chuyện của những Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Thanh Nhã...
Quả thật, chuyện của Mai "gà" chẳng hề xa lạ với người hâm mộ bóng đá Việt. Trong đó chi tiết nổi bật nhất đã được kể đi kể lại nhiều lần rằng Ngọc Mai xuất thân là một VĐV đá cầu. Năm 1994, khi mới 20 tuổi, cô được kêu gọi gia nhập đội bóng đá nữ quận 1 ở Tao Đàn để phục vụ chuyến du đấu phía Bắc cùng đội Hoa Học Trò của Hà Nội.
Bóng đá nữ những năm đó hấp dẫn lạ lùng, thu hút hàng ngàn, hàng vạn khán giả đến chật sân bóng để xem các cô gái quần thảo trên mặt sân gồ ghề lởm chởm, có cả... phân trâu, phân ngựa.
Đó là chuyến du đấu kèm với cuộc đua xe đạp dọc theo các tỉnh phía Bắc. Đi đến đâu, bóng đá nữ được bà con chào đón nhiệt liệt đến đó. Và cũng từ đây, cuộc chơi quanh quả bóng tròn đã mê hoặc một thế hệ phụ nữ với những tên tuổi như Lưu Ngọc Mai, Trương Thị Ngọc Mai, Kim Hồng, Mỹ Oanh... Họ quyết tâm thành cầu thủ nữ chuyên nghiệp.
Trong tất cả, Ngọc Mai là người sở hữu nền tảng kỹ thuật tốt nhất, vì cô dẫu sao xuất thân là VĐV đá cầu - môn thể thao tuy khác biệt đáng kể so với bóng đá nhưng cũng góp phần rèn nên một đôi chân khéo léo. Là VĐV đá cầu chuyển sang bóng đá, những tưởng sự nghiệp Ngọc Mai rồi cũng suôn sẻ. Ấy vậy mà gia đình chị cũng phản đối kịch liệt.
"Vì dẫu sao đá cầu vẫn là môn thể thao không va chạm, ít chấn thương khốc liệt, có vẻ là một môn phù hợp nữ giới hơn. Ba mẹ tôi bảo thà tôi đá cầu còn hơn đá bóng, mà ba tôi vốn là thủ môn đó", Ngọc Mai kể.
Thêm vào đó, bóng đá nữ những năm đầu còn phải chịu tình cảnh "nữ đá với nam" vì không đủ quân số để tập luyện. Với nhiều người, đây là hình ảnh phản cảm.
Mà quả thật, chấn thương trong bóng đá cứ lũ lượt kéo đến các cầu thủ. Khi tham dự giải tiền SEA Games 1997, Ngọc Mai chấn thương phải nghỉ thi đấu 1-2 tháng. Bẵng đi thời gian, chị lại... lết ra sân, rồi thấy đau quá buộc phải đi bệnh viện.
Sau khi nghe bác sĩ bảo phải mổ, chi phí phẫu thuật hết 5 triệu đồng - số tiền tương đương hơn lượng vàng khi đó, Ngọc Mai lại lẳng lặng ra về. Cuối cùng, HLV phát hiện và buộc cô đi mổ.
"Đó là kinh nghiệm xương máu. Sau này hễ có cầu thủ trẻ nào chấn thương là chúng tôi đưa đi chụp phim ngay. Trong mắt cá chân tôi hiện giờ còn hai con ốc vít đây, thi thoảng vẫn nhức", Ngọc Mai kể.
Vật lộn với đam mê
Khi cơn phấn khích qua đi, bóng đá nữ nhanh chóng đối mặt thực trạng buồn. Khán giả chỉ thích thú nhất thời với các trận bóng những năm đầu thập niên 1990, khi hình ảnh các cô gái quần thảo với nhau trên sân cỏ còn lạ lẫm.
Dần dà, bóng đá nữ không còn mấy người xem. Từ thế hệ Ngọc Mai cho đến lứa đàn em sau này như Kim Chi, Ngọc Châm đều phải vật vã với niềm đam mê chơi bóng của mình. Đỗ Thị Ngọc Châm - Quả bóng vàng năm 2008 - chia sẻ chị từng phải đấu tranh dữ dội với gia đình lẫn bản thân để quyết định theo đuổi con đường cầu thủ.
- Tham khảo thêm
"Năm 1999, khi 14 tuổi là lần đầu tôi tập trung cùng đội bóng đá nữ trẻ Hà Nội. Lúc đi thì chính bản thân tôi cũng phân vân. Tôi còn nhớ mình đến trường rút hồ sơ thì gia đình không đồng ý.
Giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng cũng khuyên nên dành một tuần suy nghĩ vì năm đó tôi học lớp 9, mà suốt 9 năm thì đều được học sinh giỏi. Có lúc còn được vào top 4 của trường. Bố mẹ thì sợ tôi đi đá bóng sẽ khổ nên muốn tôi sau này làm cô giáo dạy toán, dạy hóa", Ngọc Châm kể.
Trong tất cả khó khăn của đời nữ cầu thủ, chấn thương vẫn là ác mộng lớn nhất. Từng có nhiều tranh cãi tầm cỡ quốc tế rằng bóng đá - với quá nhiều va chạm, rủi ro - liệu có phải là môn thể thao phù hợp cho nữ giới không? Nhiều nữ cầu thủ chừng đã tiệm cận đỉnh cao, nhưng rồi chấn thương kéo họ trở lại mặt đất. Trong số đó, phải kể đến cựu danh thủ Huỳnh Thị Thanh Khiết của TP.HCM.
"Ngay từ khi còn trẻ, tôi từng nhận được cảnh báo về cơ địa khá yếu ớt của mình, chẳng hạn như thầy Nguyễn Hữu Hùng, HLV đã đưa tôi từ Cần Thơ lên Sài Gòn, dìu dắt tôi từ những ngày đầu. Và quả thật, tôi không thể lên đến đỉnh cao vì chấn thương liên miên. Cứ khi nào chơi hay và được gọi lên tuyển là tôi lại lăn ra chấn thương.
Riêng chấn thương dây chằng tôi bị đến hai lần. Một lần ở cổ chân phải, khiến đối mặt nguy cơ tàn tật cà lê cà lết chân phải, mất ba năm mới lành lặn. Một lần ở đầu gối trái, buộc phải giải nghệ luôn ở tuổi 26", Thanh Khiết kể.
Nhưng sức sống với đam mê của nữ cầu thủ quê Cần Thơ lại cực kỳ mãnh liệt. Nghỉ bóng đá, Thanh Khiết chuyển sang chơi futsal với cái đầu gối lặc lìa, nhưng vẫn ráng ra sân vì "đòi hỏi của futsal lúc này chưa cao lắm".
Được vài năm, chị phải nghỉ hẳn rồi chuyển sang làm trợ lý futsal. Song song đó, Thanh Khiết mở lớp bóng đá cộng đồng, cũng như theo đuổi con đường đại học và bằng cấp HLV. Và rồi chị trở thành HLV nữ futsal đầu tiên của Việt Nam - được cấp chứng nhận giảng viên futsal của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
Có thể không mấy thành công với đời cầu thủ, nhưng Thanh Khiết chính là biểu tượng cho đam mê của giới cầu thủ nữ.
Hành trình đến World Cup hôm nay của Huỳnh Như, Thanh Nhã là chuỗi tiếp nối những câu chuyện về một thời gian khổ như vậy.
Có thể hiểu được cảm giác tiếc nuối của Ngọc Mai khi nói về giấc mơ World Cup. Không phải lứa của những tiền bối bóng đá nữ như chị không đủ khả năng, mà chính từ những năm tháng gian khổ nhưng kiên cường với đam mê đó, bóng đá nữ mới dần được xã hội quan tâm, đầu tư, và sau cùng có được thời cơ đã chờ đợi hàng thập niên.
Hỗ trợ những chị em khó khăn
Ngoài lớp bóng đá cộng đồng, Thanh Khiết cũng là người đứng ra tổ chức các hoạt động cộng đồng dành cho bóng đá nữ. Người hâm mộ đã quen các trận cầu tri ân thế hệ vàng của bóng đá nam. Còn với bóng đá nữ, đây lại là điều khá xa lạ, nhưng cũng là việc nên làm hơn cả vì có nhiều nữ cầu thủ lâm cảnh khó khăn sau ngày giải nghệ.
"Sau những trận bóng giao hữu hay bữa ăn gặp mặt, chúng tôi quây quần lại bên những chị đang có hoàn cảnh khó khăn và trao món tiền ủng hộ các chị bằng cả tấm lòng của mọi người. Không có nhà hảo tâm nào hết, những hoạt động này chị em tự làm, tự bỏ tiền túi ra, mỗi người một ít được bao nhiêu đó rồi trao cho những hoàn cảnh khó khăn.
Sắp tới tôi cùng hai đồng đội cũ là Lê Thị Hoàng Oanh, Trương Thị Nguyên Nhã mở một sân cỏ nhân tạo lấy tên là NOK ghép từ tên ba người lại. Tâm nguyện chúng tôi, sân đó sẽ là nơi tổ chức những trận đấu thiện nguyện để giúp đỡ những trường hợp khó khăn" - Thanh Khiết kể.
----------------
Với thân hình thon thả và nụ cười tươi tắn, Đỗ Thị Ngọc Châm thu hút ánh nhìn mọi nơi, khi cô khoác trên mình màu áo tuyển quốc gia, bộ suit công sở, hay chiếc áo đầy màu sắc của một HLV bóng đá cộng đồng.
Kỳ tới: Đời cầu thủ đâu chỉ quanh quả bóng
Vài năm qua, tuyển bóng đá nữ Việt Nam chinh chiến đấu trường quốc tế với một bộ khung ban huấn luyện lý tưởng.