Từng tràng pháo tay vang lên, thậm chí có nhiều khán giả còn bật khóc. Không chỉ thế có người còn lẩm nhẩm hát theo. Khán giả khóc vì bài Võ Đông Sơ qua tiếng ca Minh Cảnh như một ký ức cải lương tươi đẹp.
Dân ghiền cải lương dường như không ai là không biết tới bài Võ Đông Sơ. Một bài tân cổ ra đời khoảng những năm đầu 1960, tới nay đã 60 năm rồi mà tác phẩm này vẫn giữ sức sống mãnh liệt từ sân khấu lớn cho tới bàn nhậu bình dân của mấy ông mê ca cổ ở vùng sâu, vùng xa.
Xúc cảm mãnh liệt từ một chuyện tình
Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi/Đường dài mịt mùng em không đến nơi/Mây nước buồn cơn lửa binh/Hết kể chuyện chung tình/Khóc than riêng em một mình. Chỉ cần nghe câu rao đờn và đoạn đầu tân nhạc là khán giả cải lương đã nôn nao cảm xúc khó tả.
Tới chừng vô câu đầu vọng cổ: Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà..., Minh Cảnh xuống xề là coi như bao con tim khán giả tan nát bởi bài tân cổ hay đứt ruột, đã đi vào huyền thoại.
Theo nhiều tài liệu thì bài tân cổ được viết từ thiên tình sử của đôi trai gái tài sắc. Xuất xứ từ tiểu thuyết Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử được in khoảng năm 1926. Tác giả Nguyễn Tri Khương sau đó viết thành vở kịch Giọt máu chung tình (còn gọi là Giọt lệ chung tình năm 1927).
Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền viết thành vở cải lương Giọt máu chung tình (năm 1928). Cùng năm này, sân khấu Huỳnh Kỳ của vợ chồng Bạch Công tử dựng vở trên sân khấu, nghệ sĩ Phùng Há vào vai Bạch Thu Hà.
Trong câu chuyện của Tân Dân Tử thì Võ Đông Sơ là con của Hoài quốc công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du. Bạch Thu Hà là con của Tổng trấn Tây thành Bạch Công. Võ Đông Sơ tình cờ cứu được tiểu thư Bạch Thu Hà khỏi một toán cướp, từ đó đôi trai tài gái sắc đã phải lòng nhau.
Chuyện tình của họ gặp nhiều trắc trở khi Bạch Thu Hà bị ép lấy người không yêu, phải chia tay. Trong một lần Võ Đông Sơ cầm quân đi đánh giặc, chàng tử trận, giây phút cuối không ngừng gọi tên Bạch Thu Hà. Nàng tiểu thư quá đau đớn cũng quyên sinh.
Trong một bài viết, cố nhà văn Lê Văn Nghĩa cho rằng trong sử sách không có người con nào của Võ Tánh và công chúa Ngọc Du có tên Võ Đông Sơ. Vì vậy ông kết luận Võ Đông Sơ chỉ là nhân vật tưởng tượng của Tân Dân Tử. Tuy nhiên, mối tình của Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà vẫn gây rất nhiều cảm xúc.
Võ Đông Sơ ra đời như một cú chấn động
Soạn giả Viễn Châu là một cái tên không xa lạ với khán giả mộ điệu cải lương. Ông được mệnh danh là "ông vua vọng cổ" với hơn 4.000 bài ca cổ, ông là người sáng tạo ra tân cổ giao duyên và vọng cổ hài. Rất nhiều sáng tác của ông sống mãi trong lòng người hâm mộ như Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà, Tình anh bán chiếu, Lá trầu xanh, Sầu vương ý nhạc...
Danh ca Minh Cảnh là người đầu tiên thâu bài Võ Đông Sơ, ông chia sẻ sự thành công của bài tân cổ là do: "Bài này đặc biệt là vì quá mới. Trước đó người ta chỉ nói phách, nói lối, ca bài bản rồi vô vọng cổ mà bây giờ lại vừa ca tân nhạc, vừa ca cổ. Tạo sự kích thích khiến khán giả tò mò".
Soạn giả Đăng Minh, người nổi tiếng với kịch bản Vụ án Mã Ngưu, phân tích thời điểm đó là trào lưu của những giọng ca mùi mẫn, buồn buồn, hơi cũ kỹ một chút. Minh Cảnh lại xuất hiện như giọng ca tươi mới, trẻ, phá cách, ca lạng bẻ, ca bốc.
Đó cũng là giai đoạn soạn giả Viễn Châu sáng tạo ra thể loại tân cổ giao duyên. Nếu bài tân cổ đầu tiên được xem là bài Chàng là ai? (viết từ nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết) do NSND Lệ Thủy ca, thì bài Võ Đông Sơ do chính soạn giả Viễn Châu viết cả phần tân lẫn cổ nhạc.
Soạn giả Viễn Châu là người nổi tiếng mát tay lăng xê những giọng ca trẻ. Tác phẩm ông viết ra đa số "đo ni đóng giày" nên đã có NSND Út Trà Ôn với Tình anh bán chiếu; Lệ Thủy với Cô hàng chè tươi, Tình đẹp mùa chôm chôm, Cô gái bán sầu riêng; Diệu Hiền với Tần Quỳnh khóc bạn, Trụ Vương thiêu mình...
Vì vậy, Võ Đông Sơ là bài ông viết để lăng xê Minh Cảnh. Và bài này có cấu trúc âm nhạc rất hoàn chỉnh. Nhạc sĩ Viễn Châu viết tân nhạc nhưng vô nhịp vọng cổ.
Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng tác phẩm của nhạc sĩ Viễn Châu ca từ mộc mạc, nhưng giàu xúc cảm, có cách gieo vần cực kỳ độc đáo. Chỉ là một bài ca cổ thôi nhưng ông viết lúc nào cũng xây dựng thành một câu chuyện rất giàu tình tiết nên dễ dàng đi vào lòng người.
Bài Võ Đông Sơ được viết cũng như vậy nên chạm được trái tim khán giả, dễ nhớ. Cầm bài ca đọc qua vài ba lần là có thể thuộc ngay. Thêm nữa thời đó người ta viết bài vọng cổ 6 câu nhưng Võ Đông Sơ được viết chỉ 5 câu, 8 nhịp câu 6 là ông viết theo giọng tân nhạc. Và đó xem như là bước đột phá "hết hồn", Viễn Châu trở thành người mở đường.
Trong bài Võ Đông Sơ còn có một dấu ấn đặc biệt nữa là chỉ có một mình nhạc sĩ Văn Vĩ đờn. Nhạc sĩ Viễn Châu là người hỗ trợ để nhạc sĩ Văn Vĩ biến guitar thùng thành guitar điện ngày nay. Và trong bài Võ Đông Sơn ngón đờn guitar điện của Văn Vĩ lả lướt khiến người ta phải mê mẩn.
Ông Đăng Minh kể: "Khi Võ Đông Sơ tung ra với giọng ca Minh Cảnh, quá nhiều cái mới và dấu ấn đầu tiên khiến tác phẩm này gây nên cú "chấn động". Mặc dù thời đó trường phái chính thống không chấp nhận giọng ca Minh Cảnh, vì người ta cho rằng ca giọng kiểu Út Trà Ôn, Hữu Phước... mới là chuẩn.
Tuy nhiên, cải lương quả là kỳ diệu và luôn cải cách, đổi mới. Từ trường hợp Minh Cảnh mà nhiều giọng ca sau này như Tấn Tài, Thanh Tuấn, Chí Tâm... phá cách, ca không giống ai, tạo được dấu ấn cho mình mà vẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tạo nên sự tươi mới, đa dạng cho bài vọng cổ".
Hầu hết các nghệ sĩ lấy nghệ danh lót chữ Minh đều là người mê và ảnh hưởng đàn anh Minh Cảnh. Minh Cảnh không phải là người có ngoại hình, cũng không quá xuất sắc về mặt diễn xuất nhưng chính giọng ca huyền thoại của ông đã khiến người ta quên hết nhược điểm của ông. Và Minh Cảnh với Võ Đông Sơ đã trở thành "tượng đài" trong lòng biết bao thế hệ khán giả mê đắm cải lương.
TT - Nhạc: I Biên cương lá rơi Thu Hà em ơiĐường dài mịt mùng em không đến nơiMây nước buồn cơn lửa binhHết kể chuyện chung tìnhKhóc than riêng em một mình