vĐồng tin tức tài chính 365

Khối nợ của Mỹ sẽ tăng mạnh dưới thời Biden

2021-01-15 10:37

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden vừa công bố chi tiết kế hoạch gói cứu trợ 1.900 tỷ USD cho kinh tế Mỹ trong đại dịch. Đây là gói bổ sung, sau gói 900 tỷ USD tháng trước. Đề xuất này gồm 2.000 USD cho mỗi người dân, tiền hỗ trợ các bang, bảo hiểm thất nghiệp, nhằm tăng tốc đà phục hồi vốn đang mong manh của Mỹ. Trên CNN, một nghị sĩ Mỹ cho biết chính quyền Biden đang "cố gắng thực hiện điều rất khó khăn".

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, nợ công của Mỹ tăng thêm 7.000 tỷ USD, lên 27.000 tỷ USD. Con số này được dự báo tăng vọt dưới thời Biden. Việc chất cao thêm khối nợ có thể gây ra nhiều hệ quả đau đớn, nhưng là cần thiết trong bối cảnh hiện tại.

"Đây không phải là lúc thắt lưng buộc bụng. Nền kinh tế đang ở trong trạng thái không thể tiết kiệm", Joe Brusuelas - kinh tế trưởng tại RSM cho biết.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong một sự kiện tháng trước. Ảnh: Reuters

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong một sự kiện tháng trước. Ảnh: Reuters

Báo cáo công bố hôm 14/1 cho thấy 965.000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào tuần trước, tăng so với 784.000 tuần trước đó. Số người thất nghiệp vẫn đang ở mức tệ nhất kể từ Khủng hoảng Tài chính 2008. Mỹ đã mất 140.000 việc làm trong tháng 12. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ mùa xuân năm ngoái.

"Đây là thời điểm để tăng kích thích tài khóa và kéo nền kinh tế quay về quỹ đạo cũ. Chúng ta không thể nghĩ quá nhiều được", Brusuelas cho biết.

Hiện tại, chưa có chính sách tăng thuế nào để bù đắp lại chi phí này. Chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách sẽ giúp giảm thiệt hại gây ra bởi cuộc khủng hoảng y tế, đồng thời giải quyết bất bình đẳng đang ngày càng trầm trọng.

Dù thị trường chứng khoán liên tiếp lập kỷ lục, các bộ phận khác của nền kinh tế vẫn lao đao. Rạp phim, hãng hàng không, khách sạn và nhiều ngành khác đang gánh thiệt hại nặng nề. Chỉ số Back-to-Normal của CNN và Moody's Analytics cho thấy kinh tế Mỹ hiện chỉ vận hành với công suất bằng 74% hồi đầu tháng 3.

"Chúng ta vẫn đang trong hố sâu. Nền kinh tế sẽ chịu tổn thương khủng khiếp trong dài hạn nếu chúng ta không hành động nhanh", Gus Faucher – kinh tế trưởng tại PNC cho biết. Faucher cho rằng nếu không hỗ trợ nền kinh tế bây giờ, việc tái cân bằng ngân sách và giải quyết các thách thức cấu trúc sau này sẽ càng khó khăn hơn.

Nhiều người cho rằng chính quyền Biden nên đợi thêm vài tháng để đánh giá tác động của gói 900 tỷ USD tháng trước. "Hiện tại có vẻ quá sớm để tung thêm gần 2.000 tỷ USD nữa, khi chúng ta mới thông qua gói kích thích trước", Maya MacGuineas – Chủ tịch Hội đồng Ngân sách Liên bang (CRFB) – một tổ chức giám sát tài chính độc lập cho biết. Dù vậy, bà cũng thừa nhận "có lẽ phải vay thêm nữa trước để tình hình có chuyển biến".

Đầu tháng này, CRFB dự báo thâm hụt ngân sách Mỹ đạt 2.300 tỷ USD trong tài khóa 2021, giảm từ 3.100 tỷ USD tài khóa trước. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên GDP 10,4% sẽ là cao nhất lịch sử nước này, nếu không tính thời Thế chiến II.

Với việc đảng Dân chỉ hiện kiểm soát cả Thượng viện Mỹ, MacGuineas cho rằng thâm hụt ngân sách có thể còn cao hơn ước tính. Từ trước khi đại dịch xuất hiện, ngân sách Mỹ đã mất cân đối khi các nghị sĩ không muốn cải tổ chính sách chăm sóc y tế và an sinh xã hội. Thâm hụt bùng nổ dưới thời Tổng thống Trump, do chính sách chi tiêu mạnh tay và cắt giảm thuế. Mỹ bước vào đại dịch với 1.000 tỷ USD thâm hụt.

Chính quyền Biden có thể sẽ rất khó thuyết phục các nghị sĩ thông qua hỗ trợ 2.000 USD cho mỗi người dân. Ý tưởng này trước đó được cả Trump và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders ủng hộ.

Rất nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã phản đối ý kiến này. Tuần trước, thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin cho biết trên Washington Post rằng ông hoàn toàn không đồng ý với mức đó.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng 2.000 USD là sự hỗ trợ cần thiết ngay lúc này. Kể từ tháng 6, gần 8 triệu người Mỹ đã gia nhập danh sách người nghèo, theo nghiên cứu của Đại học Chicago và Notre Dame. Khoảng 27 triệu người trưởng thành hiện thuộc các hộ gia đình không có đủ đồ ăn trong 7 ngày qua, theo khảo sát Census Household Pulse Survey.

Brusuelas cho rằng khoản hỗ trợ 2.000 USD nên giới hạn với những người thất nghiệp và bị giảm thu nhập. "Chúng ta không thể đưa tiền một cách vô tội vạ được", ông nói.

Biden sẽ bước vào Nhà Trắng trong thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục. Vì thế, Mỹ có thể đi vay trong 10 năm với lãi suất chỉ 1%, thay vì 3% như thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, nếu lãi suất đi vay tăng nhanh, khối nợ quốc gia sẽ trở nên rất nặng nề.

Đó là lý do các nhà kinh tế học Peter Orszag, Robert Rubin và Joseph Stiglitz cho biết trong một nghiên cứu hôm 14/1 rằng Washington cần cách tiếp cận hoàn toàn khác. Họ đưa ra kế hoạch giảm sự phụ thuộc của ngân sách vào biến động lãi suất, bằng cách tăng kỳ hạn các khoản vay, đồng thời điều chỉnh chi tiêu theo tình hình kinh tế.

"Lãi suất thấp đã thay đổi cuộc tranh luận về tài khóa", nghiên cứu viết, "Nhưng chúng ta không nên cho rằng nó sẽ kéo dài mãi".

Hà Thu (theo CNN)

Xem thêm: lmth.6331224-nedib-ioht-ioud-hnam-gnat-es-ym-auc-on-iohk/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khối nợ của Mỹ sẽ tăng mạnh dưới thời Biden”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools