Bức hình được đăng tải trên mạng xã hội với hình ảnh cô gái vừa được nâng mũi ngồi cạnh bạn trai có vành tai được băng bó lại. Bức ảnh chú thích: "Nếu anh ấy thực sự yêu bạn, anh ấy sẽ sẵn sàng cho bạn tất cả".
Nhiều người cho rằng chàng trai đã cho sụn tai để bạn gái nâng mũi. Nhưng cũng không ít người hoài nghi về tính xác thực của bức hình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Tống Hải - chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia - cho biết việc hiến và ghép mô, bộ phận cơ thể của người này cho người kia (ghép đồng loại) đã được pháp luật và Bộ Y tế cho phép ở một số lĩnh vực như ghép thận, gan, tim,...
Theo bác sĩ Hải, để được ghép mô, tạng cần có sự tương đồng về nhóm máu, HLA, tiền mẫn cảm. Với ghép da đồng loại, da chỉ sống tạm một thời gian sẽ đào thải bong da, trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng cho nhau.
Để ghép xương, sụn sườn, trung bì da đồng loại thì xương và sụn sườn, trung bì da đều phải được xử trí loại bỏ đi hết các yếu tố kháng nguyên bề mặt, sụn sườn sau xử trí phải để trong môi trường bảo quản, khi đó mới có thể sử dụng được.
"Không thể lấy sụn tai của người này ghép trực tiếp cho người kia vì sẽ có nguy cơ đào thải sụn ghép.
Nếu muốn ghép cần có nghiên cứu xử lý sụn tai trước khi ghép, bảo quản trong dung dịch giữ tươi thì mới được thực hiện và điều kiện tiên quyết là phải được cơ quan quản lý cho phép.
Mặc dù về lý thuyết có thể lấy sụn tai của người khác để ghép nâng mũi, nhưng thực tế hiện không bác sĩ thẩm mỹ nào làm. Việc lấy sụn ở tai sẽ gây khuyết sụn ở tai, lấy nhiều có thể gây biến dạng tai không hồi phục.
Ngoài ra, trước đây nhiều cơ sở thẩm mỹ có thể lấy sụn tai tự thân để nâng mũi, tuy nhiên hiện nay có nhiều phương pháp thay thế khác như sụn nhân tạo hay sụn, cân tự thân", bác sĩ Hải thông tin.
TTO - Trưa 25-9, một lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết đã nắm thông tin về một trường hợp bị biến chứng mù mắt sau khi tiêm filler nâng mũi tại một cơ sở không được cấp phép tiêm filler nâng mũi.