Nhà cách bãi rác Hòa Phú hơn 1km, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 11, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) nói vẫn nghe thấy mùi hôi nồng nặc từ bãi rác này. "Hít mùi hôi thối liên tục như thế này, người già trẻ con sẽ rất ảnh hưởng sức khỏe", chị Hoa lo lắng.
Công ty xử lý môi trường lại… gây ô nhiễm
Còn chị Hà Thị Lan (thôn 11, xã Hòa Phú) có 1ha cà phê gần bãi rác Hòa Phú cho biết rất hãi hùng mỗi khi phải đi làm rẫy. Rẫy gia đình chị Lan lại nằm gần ba hồ chứa nước rỉ rác, mùi hôi càng nồng nặc. "Ba hồ này đã ngập, từng tràn nước ra ngoài rẫy", chị Lan nói.
Ông Nguyễn Thanh Quang - phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú - khẳng định việc bãi rác gây ô nhiễm đã xảy ra từ cuối năm 2021. Người dân liên tiếp có ý kiến yêu cầu phải xử lý dứt điểm mùi hôi, nước rỉ rác thoát ra môi trường nhưng Công ty cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk (đơn vị vận hành - PV) vẫn không thực hiện.
"Năm 2022, Công ty cổ phần Đô thị và Môi trường đã bị UBND tỉnh xử phạt 225 triệu đồng vì gây ô nhiễm. Xã đề nghị đơn vị vận hành bãi rác này phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của tỉnh, thành phố để đảm bảo môi trường, sức khỏe cho người dân", ông Quang có ý kiến.
Chưa có giải pháp xử lý dứt điểm
Dự án bãi rác Hòa Phú rộng 52ha, có tổng kinh phí xây lắp 145 tỉ đồng từ vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Khi đi vào hoạt động (tháng 1-2020) đến 30-5, bãi rác Hòa Phú đã tiếp nhận hơn 360.000m3 rác, gần (gần 300m3/ngày).
Ông Bùi Văn Quý - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk - thừa nhận việc vận hành bãi rác Hòa Phú gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh nhưng hiện chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Theo ông, bãi rác Hòa Phú được đầu tư không đồng bộ, lượng rác hằng ngày rất lớn nhưng chưa có nhà máy xử lý nước rỉ rác. Bãi rác có ba hồ chứa nước rỉ rác (17.000m3) nhưng đã quá tải, từng tràn ra môi trường.
"Đơn vị cũng sử dụng hệ thống bơm luân hồi để chuyển nước từ ba hồ chứa lên bãi chôn lấp (đã lót tấm nhựa HDPE - PV) chưa sử dụng. Do lượng rác quá lớn lại đang vào mùa mưa nên nước rỉ từ rác rất lớn. Nguy cơ ba hồ chứa nước rỉ rác lại tràn ra ngoài trong thời gian tới", ông Quý nói.
Theo ông Quý, công ty đã xin kinh phí mua bạt che những khu vực bãi rác đã đổ đầy để tránh nước mưa thấm vào rác, chảy ra môi trường. "Tuy nhiên việc này không ngăn mùi hôi hoàn toàn", ông Quý thừa nhận.
Nói thêm về việc này, ông Trần Đức Nhật - phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột - nhìn nhận mùi hôi, ô nhiễm từ bãi rác Hòa Phú là bức xúc lớn của người dân. Địa phương đang đầu tư nhà máy xử lý nước rỉ rác (công suất 450m3/ngày đêm, kinh phí 30 tỉ đồng) trong bãi rác này, dự kiến hoàn thành năm 2024 sẽ hạn chế cơ bản tình trạng hiện nay.
Đề nghị đóng cửa xưởng tái chế nhựa trái phép
Các hộ sinh sống tại thôn 12, xã Hòa Phú cũng sống khổ bên cạnh cơ sở tái chế nhựa nhặt từ bãi rác Hòa Phú về. Tại thôn này, có tới hai cơ sở tái chế nhựa từ rác thải lấy từ bãi rác Hòa Phú về và lò than tự phát.
Trong số này có cơ sở tái chế nhựa của ông Vũ Đức Cường thường xuyên đốt nhựa là bao ni lông, nhựa phế phẩm để tái chế. Cơ sở ông này nằm ngay trên tuyến đường vào thác Dray Sap, nối với sông Sêrêpốk bởi một con suối. Vậy nên nước thải, nước rỉ rác chất đống tại cơ sở này theo dòng suối đổ thẳng ra sông.
Ông Nguyễn Thanh Quang - phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú - khẳng định đã 4 lần lập biên bản về hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Ngoài ra, tại thôn 12 còn có cơ sở tái chế chất thải rắn Hân Khu và lò than của hộ ông Trần Văn Quyết cũng xả chất thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, không khí khu vực.
"Các vi phạm về đất đai, môi trường vượt thẩm quyền của xã nên địa phương đã lập biên bản, gửi hồ sơ lên UBND TP Buôn Ma Thuột xem xét, giải quyết. Đối với các cơ sở tái chế nhựa, lò than trái phép không đảm bảo môi trường, địa phương đề xuất đóng cửa để bảo vệ người dân", ông Quang nói.
Theo đại diện công ty chuyên thu gom rác thải nhựa và tái chế, nếu không tăng hỗ trợ tái chế nhựa mềm thì Việt Nam vẫn trở thành những núi rác về nhựa mềm và không thể giải quyết được bài toán về nhựa mềm.