Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, ông Gerstl - cũng là một nhà nghiên cứu uy tín về Đông Nam Á và quan hệ quốc tế - cho biết Áo và Việt Nam đã luôn ủng hộ nhau tại Liên Hiệp Quốc cũng như các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
* Ông đánh giá thế nào về việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chọn Áo là nước đầu tiên ở châu Âu để thăm chính thức?
- Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 23-7 tại Vienna, chúng tôi đã thảo luận về sự phát triển năng động của mối quan hệ kinh tế và trao đổi về cách cải thiện hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực học thuật và văn hóa. Tôi rất lạc quan rằng quan hệ song phương sẽ ngày càng sâu sắc hơn trong những năm tới.
Việt Nam là đối tác thương mại chính của Áo tại Đông Nam Á. Việt Nam cũng là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng của khu vực lẫn toàn cầu, do đó tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là địa điểm sản xuất sẽ ngày càng lớn hơn.
Ngược lại, đối với các công ty Việt Nam, Áo là thị trường xuất khẩu các sản phẩm điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh, bên cạnh giày dép, dệt may, đồ nội thất, thực phẩm và nông sản.
Tôi cũng tin rằng sự hợp tác giữa các tổ chức học thuật có thể được phát triển hơn nữa, bao gồm cả trao đổi sinh viên. Giao lưu văn hóa cũng là một lĩnh vực tiềm năng và tôi mong đợi sẽ có nhiều hơn nữa các cuộc triển lãm nghệ thuật hay các buổi hòa nhạc giữa hai nước.
* Ông có tin tưởng chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU nói riêng và EU - ASEAN nói chung?
- Việt Nam là tiếng nói mạnh mẽ cho chủ nghĩa đa phương và duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Việt Nam đã thể hiện một cam kết mạnh mẽ đối với ASEAN và là một nhân tố quan trọng trong tổ chức này. EU và Áo nhận thức rõ vai trò ấy, và hiệp định thương mại tự do giữa EU với Việt Nam là minh chứng cho điều này.
EU có trọng tâm địa chiến lược mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì lý do kinh tế nhưng cũng có yếu tố chiến lược: 40% thương mại của châu Âu đi qua Biển Đông. Vì vậy, tôi kỳ vọng rằng sự hợp tác với Việt Nam sẽ ngày càng sâu sắc hơn trong lĩnh vực kinh tế, cơ sở hạ tầng và kết nối cũng như trong lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống.
* Theo ông, Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong chính sách đối ngoại của Áo với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng?
- Mặc dù Việt Nam có dân số gần gấp 10 lần Áo, cả hai đều là những nước nhỏ. Việt Nam và Áo chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong chính sách đối với các nước lớn, đặc biệt các nước trong khu vực kế cận nước mình. Cả hai quốc gia đều cố gắng duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các cường quốc lớn cũng như với các quốc gia nhỏ hơn và tránh sự phụ thuộc vào một bên.
Việt Nam và Áo có lợi ích nhất định trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cả ở cấp độ toàn cầu và ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì điều này, Áo và Việt Nam đã luôn ủng hộ nhau tại Liên Hiệp Quốc cũng như các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sự ủng hộ ấy không chỉ do mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ mà còn vì tầm quan trọng địa chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam. Có thể khẳng định một điều: Việt Nam là một đối tác quan trọng của Áo ở Đông Nam Á.
Ngày 24-7, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã diễn ra trọng thể dưới sự chủ trì của Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen. Trong cuộc hội đàm sau đó, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Áo - người bạn tin cậy của Việt Nam trong EU.
Chủ tịch nước đã đưa ra một số đề nghị với phía Áo như sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, ủng hộ thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản của Việt Nam và đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận ODA.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao việc Áo quan tâm thúc đẩy quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối, giúp Áo tăng cường quan hệ với ASEAN và đề nghị Áo là cầu nối giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với EU. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mời tổng thống Áo cùng phu nhân sớm thăm Việt Nam và nhà lãnh đạo Áo đã vui vẻ nhận lời.
Cùng ngày, Chủ tịch nước cũng có các cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện Áo Aludia Arpa, thị trưởng Vienna cũng như thăm và làm việc tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Vienna, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.
Buổi hòa nhạc Việt Nam tại Áo
Nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm châu Âu, một đoàn nghệ sĩ Việt Nam đã tổ chức buổi lưu diễn ở Áo, Ý từ ngày 23 đến 28-7.
NSƯT Bùi Công Duy sẽ biểu diễn cùng dàn nhạc thính phòng Hà Nội, nhạc trưởng Trần Nhật Minh chỉ huy, NSƯT Lệ Giang - đàn bầu, NSƯT Hoa Đăng - đàn T'rưng, NSƯT Tấn Minh - giọng nam cao, ca sĩ opera Phạm Khánh Ngọc, nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh.
Nghệ sĩ Bùi Công Duy cho biết chuyến lưu diễn lần này gồm ba buổi hòa nhạc, kết hợp khéo léo âm nhạc hàn lâm phương Tây và âm nhạc Việt Nam từ truyền thống tới đương đại.
Buổi hòa nhạc đầu tiên vào tối 23-7 đã được công chúng nước Áo và đông đảo kiều bào Việt Nam đón nhận rất nồng nhiệt.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định như vậy trong cuộc hội đàm với Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen.