Cuộc chuyển giao quyền lực, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 tới, đang thu hút mọi ánh nhìn về đất nước chùa tháp cũng như Hun Manet - vị tướng lục quân được đánh giá là "thân thiện" và "kín tiếng" này.
Lời dặn của cha
Sáng 21-6-2017, tại ngôi làng nhỏ Koh Thmar, xã Tunluong, huyện Memot, tỉnh Tbong Khnum (Campuchia), Thủ tướng Hun Sen trông trầm ngâm trước hành trình đi lại con đường cũ, nơi 40 năm trước đó ông và những người thân cận đã "vượt qua lằn ranh lịch sử" khi tìm đường chạy sang Việt Nam, bắt đầu làm cuộc cách mạng cho chính cuộc đời mình và đất nước Campuchia.
Trong giây phút xúc động tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm "tìm đường cứu nước", Thủ tướng Hun Sen đã gọi người con cả Hun Manet bước ra phía trước để nghe ông kể lại quãng đời khổ nhọc của ông và của đất nước dưới ách Khmer Đỏ.
Ông nói với con mình về giá trị của hòa bình, những ơn nghĩa mà người dân huyện Memot cũng như người dân Việt Nam đã cưu mang ông...
Trong những người có mặt tại buổi lễ hôm đó, nhiều người đoan chắc với phóng viên Tuổi Trẻ rằng: "Ông Hun Manet sẽ là thủ tướng tương lai của Campuchia". 5 năm sau, Hun Manet có lẽ là một trong những cái tên được tìm kiếm nhiều nhất đối với những người quan tâm đến đất nước Campuchia.
Không phải đợi đến cuộc bầu cử ngày 23-7 vừa qua tên tuổi Hun Manet mới được người dân Campuchia và giới quan sát chú ý, vì việc con trai cả của ông Hun Sen "kế vị" cha đã được những người của Đảng CPP "thống nhất cao" từ lâu.
Ông Sia Samnang, một người phân tích chính trị ở Phnom Penh, bình luận: "Ông Hun Sen và những người của Đảng CPP đã có chuẩn bị cho đội ngũ kế thừa trong thời gian dài. Đây là thời điểm thích hợp để chuyển giao. Có thể thấy sự chuyển động đó ở cấp cao, khi Campuchia bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo mới như tân bộ trưởng nông nghiệp hay tỉnh trưởng Preah Vihear... Họ đều còn khá trẻ".
Trong số những người con tham gia chính trường của ông Hun Sen, nếu như người con út Hun Many năng động được coi là thủ lĩnh của thanh niên Campuchia thì ông Hun Manet lại được nhận xét là "gần gũi nhưng kín tiếng". Khi được hỏi về người con lớn của ông Hun Sen, những người tiếp xúc với ông gần như có cùng nhận xét "ông ấy rất tế nhị trong giao tiếp".
Đại tá Sea Sokha, trưởng Ban công tác đối ngoại - Cục Biên phòng, Bộ tư lệnh Lục quân Campuchia (tăng tuyến Quân khu 3 - Campuchia), kể với phóng viên Tuổi Trẻ rằng ông có dịp họp với ông Hun Manet mỗi tháng.
"Tôi chưa thấy vị tư lệnh nào lại thân thiện và chu đáo như ông ấy. Mỗi khi cấp dưới có sai trái nào đó, ông thường nói cho họ tự thấy được khuyết điểm của mình, chứ không dùng quyền của cấp trên để phán. Trong các cuộc họp, ông đều rất quan tâm đến tình hình ngoại giao biên giới. Ông căn dặn chúng tôi rất nhiều đến chuyện giữ tình hữu nghị với láng giềng", đại tá Sokha nói.
Lập trường đối ngoại trung lập
Do tính cách "kín tiếng", ông Hun Manet ít khi nói đến quan điểm của ông trong vai trò mới nếu trở thành thủ tướng.
Tại lễ khánh thành một công trình y tế ở huyện Chum Kiri, tỉnh Kampot giáp Việt Nam vào tháng 4 vừa qua, ông Hun Manet có phát biểu hiếm hoi về đường lối đối ngoại của Campuchia.
Ông nhấn mạnh xứ chùa tháp sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đã được áp dụng và thử nghiệm của chính phủ hiện nay và chính phủ tương lai vẫn trung thành với chủ trương "Campuchia là bạn của các nước" và "đặt lợi ích của người dân Campuchia lên trên hết".
Hun Manet cho biết ông nhận được nhiều câu hỏi rằng "Liệu đường lối đối ngoại của Campuchia có nghiêng về Trung Quốc hay phương Tây?" và sau đó nhấn mạnh lập trường: "Campuchia đã trải qua quá khứ đắng cay cùng cực khi bị cuốn vào cuộc Chiến tranh lạnh giữa các cường quốc ở thập niên 70 của thế kỷ trước. Nếu đất nước phụ thuộc vào một quốc gia nào đó và phớt lờ những quốc gia khác thì hậu quả trong quá khứ là điều khó tránh khỏi".
Trong phát biểu trên, đại tướng Hun Manet nhắc đến lập trường ngoại giao trung lập của Campuchia, được thể hiện trong hiến pháp Campuchia cũng như đường lối ngoại giao của chính phủ do Đảng CPP lãnh đạo.
Oknha của Campuchia, ông Leng Rithy, cho biết Thủ tướng Hun Sen khẳng định là chủ trương, đường lối của Đảng CPP vẫn nhất quán, không thay đổi. Đó là một Campuchia trung lập, không theo bên nào, không nghiêng bên nào.
"Đặc biệt, ông Hun Sen nhiều lần nhắc là không dùng đất nước của mình để chứa chấp một lực lượng quân sự nào để tấn công một nước khác. Đó là đường lối ngoại giao khéo léo. Tôi nghĩ Hun Manet là một trí thức, được học hành tử tế, đã kinh qua hơn 10 năm tham gia chính quyền, tham gia quân đội. Tôi nghĩ ông ấy đã có độ chín chắn. Chúng ta có thể có cơ sở để tin tưởng vào tài điều hành đất nước của ông ta", ông Leng Rithy nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị Sia Samnang cho biết ông chờ đợi sự năng động trong điều hành đất nước của thế hệ lãnh đạo trẻ.
"Về đường lối ngoại giao trung lập, cân bằng giữa các nước lớn, hữu nghị với các nước láng giềng, tôi tin sẽ không có gì thay đổi khi Campuchia có cuộc chuyển giao quyền lực. Bởi cuộc chuyển giao của những người trong Đảng CPP, thậm chí của những người cùng gia tộc, là có tính kế thừa", ông nói.
Người gốc Việt gửi gắm nhiều kỳ vọng
Ông Sok Chea, chủ tịch Hội người gốc Việt ở tỉnh Preah Sihanouk, chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng cộng đồng người gốc Việt ở đây luôn có nhiều hy vọng thế hệ lãnh đạo trẻ của Campuchia có những bứt phá, tiến bộ hơn trong nhìn nhận cũng như giải quyết các vấn đề ngoại kiều.
"Bởi người gốc Việt sống trên đất nước Campuchia được đăng ký để là công dân của Campuchia cũng khoảng 60.000 - 70.000 người", ông Sok Chea nói.
Ủy viên Tổng hội người gốc Việt ở Campuchia, ông Lê Đầy, cho biết nhiều người Việt sống ở đây đến bảy tám chục tuổi, có người đến chết vẫn chưa được là công dân trên đất nước mà họ coi là quê hương.
"Chúng tôi chỉ có mong mỏi làm sao để được tạo điều kiện hợp pháp hóa quyền công dân. Bởi con người sống trên một đất nước mà họ lựa chọn thì cần nhất phải có quyền công dân, điều mà rất nhiều người gốc Việt sinh ra ở Campuchia, những người gốc Việt sinh sống lâu đời ở Campuchia chưa có được", ông Đầy nói.
Đại tướng Hun Manet, ứng cử viên thủ tướng tương lai của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP), đăng video cảm ơn người dân đã đi bầu cử và bỏ phiếu cho CPP thắng áp đảo.