Theo Science Times ngày 24-7, tại quần thể khảo cổ học Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã phát hiện các hạt tinh bột từ gia vị thực vật còn dính trên 40 dụng cụ xay và giã.
Dựa trên những mẩu than và gỗ thu được, các nhà khoa học đã phân tích và xác định những công cụ này có từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 8, tức khoảng 2.000 năm trước.
Các loại gia vị dính trên những công cụ này cũng được xác định là nghệ, gừng, rễ ngón, gừng cát, riềng, đinh hương, nhục đậu khấu và quế.
Những gia vị trên là nguyên liệu không thể thiếu trong cách chế biến món cà ri Ấn Độ ngày nay. Trong đó một số gia vị không trồng ở Việt Nam giai đoạn kể trên mà chỉ có ở Nam Ấn.
Các nhà khoa học cho biết ban đầu họ cố gắng tìm hiểu chức năng của một bộ công cụ mài bằng đá gọi là “pesani”, có khả năng được sử dụng để nghiền bột gia vị ở vương quốc Phù Nam cổ đại. Thật bất ngờ, thứ họ phát hiện ra đầu tiên lại là cà ri Ấn Độ, mặt hàng thương mại toàn cầu có giá trị trong nhiều thiên niên kỷ.
Cho đến nay, bằng chứng khảo cổ học đã chỉ ra cà ri có nguồn gốc từ Ấn Độ khoảng 4.000 năm trước.
“Ai đó tại một thời điểm nào đó đã vận chuyển các gia vị cà ri này qua Ấn Độ Dương hoặc Thái Bình Dương và cuối vùng đến vùng di chỉ Óc Eo”, các nhà nghiên cứu viết trong một thông cáo báo chí.
Các loại gia vị thực phẩm được đánh giá cao và được ưa chuộng từ thời cổ đại. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.
Óc Eo ở hạ lưu sông Mekong, đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Sau chiến dịch khai quật đầu tiên do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret tiến hành vào những năm 1940, Óc Eo được công nhận là một trung tâm thương mại lớn.
Tại di chỉ Óc Eo, các nhà khoa học cũng tìm thấy một bộ dụng cụ để chuẩn bị thức ăn, gồm các phiến đá và cối xay có chân, cối và chày. Những đồ vật này tương đương với những dụng cụ tương tự được tìm thấy ở các di tích lịch sử sơ khai Ấn Độ.
Chúng xuất hiện trong bối cảnh tiếp xúc văn hóa sơ khai giữa tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á.
TTO - Những phát hiện khảo cổ học mới đây, trong đó có 2 di vật được công nhận bảo vật quốc gia, đã làm sống dậy ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo thuộc vương quốc Phù Nam từng phát triển rực rỡ trước khi bị hủy diệt vào thế kỷ 7.