vĐồng tin tức tài chính 365

TP.HCM: 3 vấn đề quyết định trong cải cách hành chính

2023-07-26 05:58

Chủ đề của TP.HCM năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” và lãnh đạo TP xác định CCHC là vấn đề trọng tâm, các sở, ban ngành, quận, huyện và UBND TP cần tập trung cải thiện chuyển đổi số trong CCHC.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh về chuyển đổi số trong CCHC nhằm hướng đến thực hiện chủ đề năm hiệu quả, thiết thực.

TP.HCM: 3 vấn đề quyết định trong cải cách hành chính ảnh 1

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh

Nâng cao trải nghiệm người dùng

. Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về những thuận lợi, khó khăn của TP.HCM khi triển khai, thực hiện chuyển đổi số trong CCHC?

+ Bà Võ Thị Trung Trinh: Năm 2022, trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, TP.HCM đã rất quyết tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và đạt nhiều kết quả tích cực.

Đáng chú ý, TP.HCM đã triển khai và ra mắt hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với quy mô toàn TP; đưa vào hoạt động hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua tổng đài 1022.

TP.HCM cũng thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú từ ngày 15-6-2022. Cùng với đó, TP xây dựng hệ thống đô thị thông minh; đưa vào hoạt động hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu, giúp lãnh đạo TP giám sát, đánh giá tổng thể và toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội.

TP đã ban hành chiến lược dữ liệu nhằm khai phá tiềm năng của dữ liệu, cung cấp dịch vụ thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân…

TP.HCM là đầu tàu kinh tế, một đô thị đặc biệt nên việc chuyển đổi số trong CCHC tại TP luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành. Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các giải pháp, công nghệ số cùng với hệ thống dữ liệu có sẵn sẽ giúp TP.HCM thuận lợi hơn trong giải quyết những bài toán khó.

Tuy vậy, TP.HCM cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế cả về chất và lượng.

TP.HCM cần tái cấu trúc quy trình giải quyết hồ sơ hành chính, nâng cao trải nghiệm người dùng đối với các dịch vụ công trực tuyến. Thực thi hiệu quả chiến lược dữ liệu của TP và huy động tối đa các nguồn lực, gồm nguồn lực công và tư để thực hiện chuyển đổi số.

TP.HCM: 3 vấn đề quyết định trong cải cách hành chính ảnh 2
Người dân làm thủ tục tại huyện Củ Chi. Ảnh: VÕ THƠ

. Thực tế người dân và doanh nghiệp đang gặp khó trong quá trình làm TTHC. Vậy các địa phương cần cải thiện việc chuyển đổi số trong CCHC như thế nào?

+ Muốn làm tốt chuyển đổi số trong CCHC tại địa phương thì trước tiên người đứng đầu cần sâu sát hơn trong công việc.

Ba yếu tố trọng tâm của CCHC là tổ chức bộ máy - con người - công nghệ phải “khớp” với nhau thì CCHC mới mang lại hiệu quả thiết thực. Tôi cho rằng trong CCHC, ba yếu tố này là ba chân kiềng và có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nếu thiếu một trong ba yếu tố thì CCHC sẽ không hiệu quả và không thể hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Một vấn đề nữa là cán bộ tại địa phương cần hiểu rõ khái niệm chuyển đổi số. Nhiều cán bộ hiện chỉ dừng ở mức hiểu về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhưng chuyển đổi số và ứng dụng CNTT là hoàn toàn khác nhau.

Chẳng hạn, một quy trình làm việc gồm năm bước thì CNTT chỉ giúp chúng ta tin học hóa quy trình năm bước đó, giúp công tác quản lý tốt hơn. Còn khi chuyển đổi số, chúng ta phải đánh giá quy trình đó đã thực sự hiệu quả hay chưa để tinh gọn và có sự sắp xếp lại.

Hướng tới chỉ sử dụng văn bản điện tử

. Thủ tướng có đề cập đến một bộ phận cán bộ, công chức chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy... Bà nhìn nhận gì về vấn đề này từ thực tế của TP.HCM?

+ Tại TP.HCM vẫn còn tình trạng cán bộ sử dụng văn bản giấy thay vì chuyển sang văn bản điện tử, bởi họ vẫn mang tâm lý phải lưu lại hồ sơ giấy để sau này dễ dàng tìm kiếm. Trước thực tế này, TP.HCM đã ban hành quy định chỉ nhận văn bản điện tử, tức là bắt buộc cán bộ các đơn vị phải gửi văn bản điện tử thì TP mới nhận.

Tôi cho rằng nếu muốn thay đổi hoàn toàn thói quen này thì cần sắp xếp lại toàn bộ quy trình, đồng thời tính toán về mặt pháp lý của văn bản điện tử, các quy chế, quy định... để đảm bảo trách nhiệm giải trình khi có vấn đề xảy ra.

. Theo bà, TP.HCM cần có những giải pháp nào để đẩy mạnh chuyển đổi số trong CCHC?

+ Trước hết, TP.HCM cần tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những sáng kiến, cách làm, mô hình điển hình hay về chuyển đổi số. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp chữ ký số vào hệ thống thông tin giải quyết TTHC để người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.

Cùng đó, triển khai hiệu quả việc số hóa hồ sơ, kết quả TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành hoạt động nội bộ của lãnh đạo TP và trong phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhất là ở phường, xã, thị trấn…

Xây dựng, hoàn thiện các quy định phục vụ triển khai chiến lược quản trị dữ liệu của TP như cập nhật quy chế tích hợp, quản lý, vận hành, khai thác kho dữ liệu dùng chung của TP và danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của TP; xây dựng quy định, hướng dẫn về nội dung, cấu trúc dữ liệu… phục vụ công tác thu thập, tạo lập, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành…

. Xin cảm ơn bà.

BẢO PHƯƠNG thực hiện

Xem thêm: lmth.799347tsop-hnihc-hnah-hcac-iac-gnort-hnid-teyuq-ed-nav-3-mchpt/nv.olp

“TP.HCM: 3 vấn đề quyết định trong cải cách hành chính”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools