Ngày 25-7, tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp (DN)” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu thực tế: “Trong giai đoạn hiện nay cầu đầu tư giảm, cầu tín dụng giảm, dẫn đến hàng hóa tồn kho tăng và ngân hàng thì thừa vốn. Cho nên tháo gỡ khó khăn cho DN cũng chính là tháo gỡ cho ngân hàng”.
Không có tài sản bảo đảm, khó vay vốn
Nói về khó khăn của DN, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VN), cho biết: Từ đầu năm đến nay có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của VN bị giảm. Dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, khi đã trải qua nửa đầu năm 2023 với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu.
Ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty CP HDC, cho hay: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là thiếu nguồn vốn. Để có thêm nguồn lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, chúng tôi đã tiếp cận với ba ngân hàng và được phê duyệt tổng hạn mức tín dụng là 80 tỉ đồng”.
Song thực tế, theo ông Huân, hiện cả ba ngân hàng mới chỉ giải ngân khoảng 10 tỉ đồng theo hình thức tín chấp. Nếu muốn được giải ngân thêm thì phải có tài sản thế chấp. Đây là điều kiện vô cùng khó với DN vừa và nhỏ.
Cầu sản xuất lẫn cầu tiêu dùng đều giảm kéo theo cầu tín dụng giảm. Ảnh: T.LINH |
Ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, cho biết: Lực lượng DN nhỏ và vừa chiếm tới 97% số lượng DN trong cả nước, tương đương gần 800.000 DN, đóng góp gần 40% cho GDP. Thế nhưng đây lại là đối tượng DN mà điều kiện vô cùng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Phân tích ở góc độ kinh tế vĩ mô, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng đó là do hệ quả của tổng cầu nền kinh tế suy giảm. Hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các thị trường lớn nhập khẩu hàng hóa từ VN. Song sự phục hồi của thị trường xuất khẩu cho tới thời điểm này chưa có những dấu hiệu tích cực rõ nét. Trong bối cảnh đó, việc bơm tín dụng ra thị trường sẽ không có tác dụng nhiều vì DN không hấp thụ được.
Bên đi vay cần có trách nhiệm với đồng vốn
PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, cho biết: Rất nhiều DN trong các lĩnh vực kinh tế đều đang đối mặt với tình trạng đơn hàng sụt giảm, cầu sản xuất lẫn cầu tiêu dùng đều giảm kéo theo cầu tín dụng giảm.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Tín dụng cho DN nhỏ và vừa cũng không nhỏ, khoảng 2 triệu tỉ đồng. Cần cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, vừa giúp DN dễ tiếp cận vốn vay và giảm chi phí đầu vào. Thời gian tới, các ngân hàng cần tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ mà DN đến hạn phải trả nhưng chưa trả nợ được vì những lý do khách quan của nền kinh tế…
Chỉ rõ hơn về nguyên nhân, theo bà Mùi, thứ nhất là ở phía DN thì đơn hàng giảm, thu nhập sản xuất, kinh doanh giảm, nhập khẩu nguyên vật liệu cũng giảm... Khi mà thị trường tiêu thụ giảm, DN làm ra không bán được dẫn đến hàng tồn kho cao, qua đó cầu tín dụng cũng giảm. Còn ở phía ngân hàng thì ngân hàng nào chẳng muốn cho vay bởi lợi nhuận để nuôi sống ngành ngân hàng chủ yếu là hoạt động tín dụng. Thế nhưng không thể vì muốn đẩy mạnh tín dụng mà cho vay dưới chuẩn được.
Theo bà Mùi, trong bối cảnh hiện nay nhiều DN chưa thực sự tạo được niềm tin và uy tín cho ngân hàng; chưa thực sự chứng minh được một khi ngân hàng đã cho vay thì DN bảo đảm 100% trả đủ gốc và lãi thì ngân hàng luôn phải quan tâm đến vấn đề cần có tài sản bảo đảm để giảm rủi ro cho mình.
Bà Mùi cho rằng nói về giải pháp để DN khi đi vay vốn ngân hàng mà không cần tài sản thế chấp thì cần phải tháo gỡ một loạt chính sách như quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ. Chính sách này đã đưa vào thực tế từ rất lâu nhưng đến nay gần như không phát huy hiệu quả. “Ngoài ra, nếu Chính phủ muốn đẩy mạnh tín dụng ra thì cần phải sửa đổi quy định cho vay” - bà Mùi nhấn mạnh.
Giải pháp tăng tính hấp thụ vốn cho DN
Nói về giải pháp tăng tính hấp thụ vốn cho DN, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng cùng với rút ngắn độ trễ chính sách tiền tệ, cần phải tập trung vào chính sách tài khóa thông qua việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế VAT. Đồng thời cần quan tâm hỗ trợ nhóm các DN chịu tác động tiêu cực từ việc suy giảm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho biết: Hiện tại, quỹ phát triển DN nhỏ và vừa mới kết hợp với ngân hàng thương mại theo hình thức ủy thác nhưng hình thức này vẫn chưa phổ biến nhiều đến các DN. Trong thời gian tới, quỹ phát triển DN nhỏ và vừa sẽ sửa đổi, cải tiến mô hình nhằm thúc đẩy nguồn vốn ưu đãi tới nhiều DN nhỏ và vừa.
“Ngoài xây dựng các chính sách, chúng tôi triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho DN như đào tạo nâng cao năng lực quản trị tài chính và quản trị dòng tiền, tư vấn 1-1 cho DN để giúp DN vay vốn thành công tại các ngân hàng. Đồng thời xây dựng bộ công cụ để DN tự đánh giá khả năng tiếp cận vốn của mình đến đâu, khả năng tái cấu trúc nợ của mình như thế nào” - bà Hương nói.
Mỗi tháng có 16.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, thông tin tính chung sáu tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 ngàn DN thành lập mới và quay lại hoạt động. Bình quân một tháng có 19.000 DN gia nhập thị trường, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Thân, có khoảng 100.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong sáu tháng qua. Như vậy, bình quân một tháng có 16.700 DN rút khỏi thị trường, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Việc hấp thụ vốn của các doanh nghiệp đang có xu hướng xuống thấp. |
Theo khảo sát cuối tháng 6 của Tổng cục Thống kê, chỉ có khoảng 18,5%-28,9% DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý II tốt hơn quý I; 36,2%-43,2% đánh giá tình hình ổn định và 27,4%-36,2% đánh giá tình hình sụt giảm.
Tính đến ngày 30-6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, chi tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các DN đang xuống thấp.